Thủ tướng yêu cầu EVN từ năm nay phải có lãi

(Dân trí) - Người đứng đầu Chính phủ cũng đã chấp nhận cho phép Tập đoàn Điện lực EVN phân bổ các khoản lỗ do sản xuất kinh doanh điện chưa tính hết vào giá điện từ trước năm 2011 cho các năm 2012 và 2013. Năm sau, giá bán điện bình quân theo giá thị trường.

Thủ tướng Chính phủ ngày 10/7 đã có quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011 - 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Hết năm 2011, EVN lỗ 10.000 tỉ đồng ở lĩnh vực kinh doanh điện và 15.000 tỉ đồng chênh lệch tỉ giá.
Hết năm 2011, EVN lỗ 10.000 tỉ đồng ở lĩnh vực kinh doanh điện và 15.000 tỉ đồng chênh lệch tỉ giá.

Định hướng kế hoạch tài chính, kinh doanh của EVN giai đoạn 2011 - 2015, Thủ tướng đã chấp nhận cho phép Tập đoàn phân bổ các khoản lỗ do sản xuất kinh doanh điện chưa tính hết vào giá điện từ trước năm 2011 cho các năm 2012 và 2013, phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015 theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Theo như lộ trình, giá bán điện sẽ từng bước được nâng lên, đến năm 2013 giá bán điện bình quân theo giá thị trường. Nhưng bên cạnh đó, EVN phải đảm bảo được, đến năm 2015, 100% số xã có điện và 98% số hộ dân nông thôn có điện và được hưởng giá bán điện theo đúng quy định hiện hành.

Thủ tướng đồng thời cũng yêu cầu EVN tăng năng suất lao động hàng năm, đảm bảo tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn tốc độ tăng tiền lương. Cùng với đó, giảm điện năng dùng cho sản xuất, truyền tải và phân phối điện, đảm bảo điện dùng cho truyền tải và phân phối điện năm 2015 không cao hơn 8%. 

Theo báo cáo của EVN, kết thúc năm 2011, tập đoàn lỗ kinh doanh điện hơn 10.000 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỉ giá lên đến 15.000 tỉ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ thất thoát điện năng vẫn chưa được cải thiện, vào khoảng 9-10%/năm. 

Như vậy, khoản 10.000 tỉ đồng được tính toán đưa vào giá thành trong năm 2012 này và năm sau (và theo như kế hoạch được trình bày tại những lần tăng giá trước đó của EVN có bao gồm bù đắp cả phần thất thoát).

Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao EVN, trong các năm 2012 - 2015, Tập đoàn phải đảm bảo kinh doanh có lãi. Đến năm 2015 các chỉ tiêu tài chính đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính cho vay vốn: Cụ thể, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu phải dưới 3 lần, tỷ lệ tự đầu tư lớn hơn 30%, hệ số thanh toán nợ lớn hơn 1,5 lần.

Tổng số vốn điều lệ của EVN sau đánh giá lại tài sản là 143.404 tỷ đồng.

Yêu cầu đáp ứng được nhu cầu về điện

Trong văn bản ban hành lần này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 13% năm.

Hết năm 2011, EVN lỗ 10.000 tỉ đồng ở lĩnh vực kinh doanh điện và 15.000 tỉ đồng chênh lệch tỉ giá.

Đồng thời, EVN phải bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành 42 tổ máy thuộc 20 dự án nguồn điện với tổng công suất 11.600 MW. Cũng theo kế hoạch đầu tư phát triển nguồn điện, EVN sẽ khởi công xây dựng 14 dự án nguồn điện với tổng công suất 12.410 MW để đưa vào vận hành giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có các dự án trọng điểm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2; các dự án nhiệt điện Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 4; thủy điện tích năng Bắc Ái.

Kế hoạch của EVN là sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành 318 công trình lưới điện truyền tải 220 - 500 kV với tổng chiều dài đường dây khoảng 11.577 km và tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 44.450 MVA. Ngoài ra, đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện 110 kV, lưới điện trung, hạ áp từ cấp điện 35kV đến 0,4kV; bảo đảm nâng cao chất lượng điện năng và năng lực phân phối điện.

Bên cạnh đó, EVN tiếp tục bố trí vốn đầu tư để cải tạo nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn tiếp nhận nhằm tăng cường khả năng cấp điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi và hải đảo. Đẩy mạnh phát triển điện nông thôn theo định hướng đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

Trong một phiên tọa đàm trực tuyến về ngành điện được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuối tháng 6, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, EVN có nhu cầu đầu tư hơn 500.000 tỷ đồng, đã thu xếp được hơn 315.000 tỷ đồng (62-63%) và còn thiếu khoảng hơn 180.000 tỷ đồng. 

Bích Diệp