Giá điện: Tăng vẫn tăng, lãng phí vẫn lãng phí

(Dân trí) - Đến 2020, ngành điện cần 5-6 tỉ USD mỗi năm, phương án cuối cùng theo phân tích chỉ còn cách tăng giá bán. Tuy nhiên, với việc độc quyền bán của EVN hiện nay, tăng giá bao giờ cũng được hiểu là "sự áp đặt", gây ra hiệu ứng tiêu cực từ dư luận.

Góp phần tham luận tại Diễn đàn Phát triển thủy điện nhỏ và kiến nghị từ doanh nghiệp tổ chức sáng nay (12/7), PGS, TS Đàm Xuân Hiệp - Tổng thư ký Hội Điện lực Việt Nam đã đưa ra nhiều góp ý và đánh giá cho nội dung vốn trong ngành điện và bài toán giá hiện nay.

Ông Hiệp dẫn kinh nghiệm phát triển nhiều nước cho thấy, để kinh tế tăng trưởng 1%, tăng trưởng cho điện cũng phải trên dưới 2%. Đến 2020, mục tiêu GDP tăng khoảng 2,5%, như vậy tăng trưởng trung bình không dưới 7%/năm, do đó ngành điện phải tăng trung bình từ nay đến 2020 xấp xỉ 15%. 

Một khi mức tăng đó không đạt được, mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ bị tác động tiêu cực và việc cắt điện, thiếu điện sẽ vẫn xảy ra triền miên là điều không thể tránh.

Diễn đàn Phát triển Thủy điện nhỏ và kiến nghị từ doanh nghiệp sáng 12/7 (ảnh: B.D).

Diễn đàn Phát triển Thủy điện nhỏ và kiến nghị từ doanh nghiệp sáng 12/7 (ảnh: B.D).

Mặt khác, theo quy hoạch phát triển điện từ nay đến 2025, lượng công suất đặt tăng thêm chừng 30.000 MW vào năm 2015 và đến 2020, công suất hệ thống cũng phải thêm 50.000-60.000 MW. Như vậy, tổng vốn đầu tư cho ngành điện đến 2020 ước khoảng 50 tỉ USD. Trung bình mỗi năm ngành điện phải bỏ ra khoảng 5-6 tỉ USD cho phát triển nguồn chưa kể phát triển điện lưới.

Trong một phiên tọa đàm trực tuyến về ngành điện được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuối tháng 6, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc EVN cũng đã cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, EVN có nhu cầu đầu tư hơn 500.000 tỷ đồng, đã thu xếp được hơn 315.000 tỷ đồng (62-63%) và còn thiếu khoảng hơn 180.000 tỷ đồng. 

Giá điện "bị nén" khiến thị trường "méo mó"

Nguyên nhân ngành điện luôn đói vốn, theo ông Hiệp chủ yếu do giá điện ở nước ta còn thấp. Theo phân tích của ông Hiệp, về mặt lý thuyết, giá điện hợp lý phải bằng chi phí biên dài hạn. Song theo tính toán, giá điện ở nước ta mới xấp xỉ 60-70% chi phí- biên dài hạn. Cụ thể, giá điện trung bình đang ở mức 5 cents bán cho các hộ dân dụng, gần đây mới tăng lên 6,5 cents, trong khi chi phí biên dài hạn là 8-9 cents. 

Ông Hiệp cho rằng, điều đó chứng tỏ giá điện đã "bị nén" quá mức, và dẫn đến thị trường điện bị "méo mó".

Dẫn minh chứng cho luận điểm tuy không phải là nước có giá điện thấp nhất, nhưng Việt Nam hiện nay nằm trong số ít các nước có giá điện thấp, thậm chí rất thấp so nhiều nước trên thế giới, ông Hiệp cho biết, tính theo giá năm 2007-08, trong Đông Nam Á, Thái Lan và Indonesia cũng có giá điện cao hơn nước ta từ 20-30%.

Đại diện ngành điện dẫn mức giá một số nơi, chẳng hạn Nhật Bản có giá điện cao nhất là gần 20 cents, Singapore ở mức 14,3 cents và Hàn Quốc là 10,2 cents. Châu Âu có giá điện dân dụng cao nhất, giá điện ở Đan Mạch tới 32,2 cents, Hà Lan 28,5 cents, thấp nhất là Na Uy cũng đến 12,5 cents, Phần Lan 14,4 cents. Hầu hết các nước khu vực Châu Mỹ có giá điện không phải là rẻ, chẳng hạn Bolivia khoảng 7 cents, Cuba 13,8 cents.

Với mức giá điện thấp như vậy, ông này trần tình rằng, lợi nhuận do đó sẽ không thể tích lũy hoặc tích lũy không đủ cho tái đầu tư.

Có 4 nguồn vốn cho phát triển ngành điện mà ông Hiệp đưa ra, gồm: Phương án thứ nhất là tự tích lũy từ bản thân ngành điện (lợi nhuận do bán điện và khấu hao). Hai là vay vốn trong và ngoài nước từ các ngân hàng hoặc từ phát hành trái phiếu. Ba là đầu tư tư nhân dưới dang BOT, IPP hoặc phát hành cổ phiếu trên cơ sở cổ phần hóa. Phương án cuối cùng mà theo như ông Hiệp chỉ tồn tại thời kinh tế tập trung đó là Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.

Theo phân tích của ông Hiệp, do giá thấp nên thời gian trả nợ vốn vay ngân hàng thường kéo dài, nhà cho vay khó chấp nhận, phương án 2 bị hạn chế. Tương tự, cách thứ 3 cũng không thể hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, còn các nhà đầu tư trong nước hầu như không có lực. Cách thứ 4 không còn phù hợp vì như vậy sẽ "tiến về quá khứ".

Ông Hiệp "gút" lại vấn đề: Như vậy, để có nguồn vốn cho đầu tư phát triển điện chỉ còn mỗi cách tăng giá điện!

Tăng giá điện: Sự áp đặt của nhà độc quyền!

Bên cạnh đó, vị đại biểu này cũng lưu ý rằng, tình trạng lãng phí điện vẫn chưa khắc phục được. Bộ Công thương đã cảnh báo, tiêu tốn năng lượng cho 1 đơn vị sản phẩm ở Việt Nam thường cao hơn các nước trong khu vực từ 1,5 đến 1,7 lần.

Ông này cũng cho hay, giá điện chưa hợp lý mà cụ thể là thấp nên không dễ khuyến khích người ta quan tâm đến tiết kiệm. Người tiêu dùng vẫn "ấm ức" vì thu nhập giảm đi trong khi vẫn phải thi hành hay chịu các chế tài của luật tiết kiệm điện. Hơn nữa, trong khi đó thì ngành điện không cần phải cố gắng hơn vẫn tăng được doanh số của mình.

Do vậy, theo ông, có hai việc mà ngành điện cần phải làm trước khi tăng giá điện, đó là cải tạo lại biểu giá, định giá theo thời gian sử dụng và phải tái cấu trúc, cải tổ lại ngành điện.

Ông Hiệp nhận xét, với cách làm như hiện nay, tăng giá bao giờ cũng được hiểu là "sự áp đặt" của nhà độc quyền, nó luôn tạo ra những hiệu ứng tiêu cực từ dư luận. 

Khi cơ chế độc quyền bị bãi bỏ, tự thị trường sẽ định đoạt giá cả và đó cũng là tín hiệu tốt cho các nhà sản xuất, nhà đầu tư cũng như người tiêu thụ - chỉ có điều, phải có lộ trình.

Mới đây, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 3/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, hiện nay, giá điện vẫn đang được bán dưới giá thành. Điều này, theo phân tích của Bộ trưởng Đam sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Đặc biệt, nhiều ngành sản xuất công nghiệp rất tiêu tốn điện năng vô hình chung lại được lợi, chẳng hạn như ngành cán thép.

Vì vậy, nếu hạch toán đầy đủ giá điện thì kết quả sản xuất kinh doanh các ngành hàng sẽ công bằng hơn. Thời gian tới, không chỉ điện mà nhiều mặt hàng khác cũng sẽ được điều hành giá dần theo hướng sát với giá thị trường.


Tham gia góp ý kiến vào diễn đàn sáng nay, ông Hoàng Minh Tuấn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, Chủ tịch HĐQT CTCP Nam Tiến phản ánh, trong khi mua của điện từ các nhà máy phát điện ở địa phương này với mức chỉ 800-900 đồng/kWh thì mua điện Trung Quốc với giá tới 1.300 đồng/kWh - đó điều chưa hợp lý.

Giá mua điện của EVN từ thời điểm năm 2006-208 từ các nhà máy thủy điện được cho biết vẫn ở mức trung bình khoảng 650 đồng/kWh, mặc dù giá điện mà EVN bán đến tay người tiêu dùng đã tăng lên rất nhiều. Năm 2008, giá bán điện bình quân tới người tiêu dùng là 870,8 đ/kWh. Năm 2012, giá bán điện bình quân đã tăng lên 1.369 đ/Kwh, tăng gần 57%, khoảng 14%/năm.

"Mua rẻ bán đắt" song EVN vẫn liên tục "than lỗ". Kết thúc năm 2011, tập đoàn này lỗ kinh doanh điện hơn 10.000 tỷ đồng. Tỷ lệ thất thoát điện năng vẫn chưa được cải thiện, vào khoảng 9-10%/năm. Lỗ và thất thoát điện năng được phân bổ vào giá thành.

Bích Diệp