Thủ tướng: Cách mạng 4.0 là cơ hội cho khát vọng phồn vinh dân tộc

(Dân trí) - "Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là cần phát triển công nghiệp số, thông minh gắn với chuyển đổi, tái cơ cấu để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh dân tộc, không thể bỏ lỡ, phát huy lợi thế, phải có ứng xử cởi mở, tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy mô hình mới".

Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội thảo về "Cách mạng 4.0: Định hình và phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai" do Ban Kinh tế trung ương tổ chức ở Hà Nội sáng nay (5/12).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Trước xu hướng thế giới, khu vực đang tận dụng được cuộc cách mạng 4.0 vào phát triển, xóa đói giảm nghèo và thực hiện tiến bộ xã hội, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành và doanh nghiệp Việt Nam cần dũng cảm từ bỏ mô hình quản lý cũ, cách làm cũ để thích ứng với Cách mạng 4.0, phát triển đất nước.

Thủ tướng khẳng định: Chúng ta hãy cùng nỗ lực biến khát vọng thịnh vượng quốc gia, dân tộc thành hành động cụ thể, chuyển hóa những sáng tạo thành giá trị giá tăng, tạo việc làm và dịch vụ mới cho Việt Nam.

Để làm được điều này, Thủ tướng đề nghị: "Tập trung nắm bắt xu hướng công nghệ mới, sẵn sàng và dũng cảm từ bỏ mô hình cũ để đi vào Cách mạng 4.0, nhằm thích ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng".

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Sự phát triển cách mạng 4.0 đang đặt ra khó khăn thách thức nhưng cũng tạo cơ hội cho các nước như Việt Nam. Nhiều ngành thâm dụng lao động dệt may, da giày sẽ được thay thế bởi máy móc, robot.

"Tuy nhiên, nếu nói rằng công nghiệp thông minh là công nghiệp của sự kết nối, sáng tạo thì sự tiếp cận của chúng ta trong thời gian qua còn rời rạc, thiếu kết nối. Vẫn đang là các hoạt động của từng ngành, từng khối riêng lẻ. Vẫn đang là sự đổi mới “cũ”, chưa có sự sáng tạo, đột phá trong cách tiếp cận. Chúng ta chưa có cái nhìn tổng thể ở góc độ “toàn dân tộc Việt Nam", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cảnh báo: Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, Việt Nam ngày càng có nguy cơ tụt hậu nhanh hơn, bên cạnh đó nhiều tác động của văn hoá, môi trường, an ninh cũng đặt ra thách thức lớn hơn. Đa số doanh nghiệp Việt là nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng chuyển đổi mô hình để nắm bắt xu hướng tiến bộ của 4.0 vào sản xuất, phát triển.

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là cần phát triển công nghiệp số, thông minh gắn với chuyển đổi, tái cơ cấu để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Cách mạng CN 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh dân tộc, không thể bỏ lỡ, phát huy lợi thế, phải có ứng xử cởi mở, tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy mô hình mới.

Thủ tướng đề nghị các chuyên gia, học giả Việt Nam và nước ngoài tại Hội nghị về Cách mạng 4.0 cần làm rõ 3 vấn đề: Việt Nam đang ở đâu trong khi thế giới đã và đang phát triển Cách mạng 4.0 nhanh chóng. Đánh giá những tồn tại, hạn chế của Việt Nam hiện nay để làm rõ những khó khăn, lợi thế của mình trong vấn đề của 4.0 đặt ra.

Thứ 2, cần cho người dân, doanh nghiệp thấy rõ thế giới đã, đang làm gì để tận dụng thành công cách mạng 4.0, nhất là các nước có điều kiện tương đồng như Trung Quốc, ASEAN. Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là Việt Nam cần làm gì để ứng dụng công nghệ số, thiết kế những kế hoạch dài hạn để thích ứng với cách mạng 4.0 đang trỗi dậy mạnh mẽ trên thế giới.

Nguyễn Tuyền