Cách mạng công nghiệp 4.0: Cú hích tăng trưởng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

(Dân trí) - Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cách mạng 4.0 sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như: giảm chi phí giao dịch – quản lý; tăng khả năng tiếp cận thị trường,...; cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ hiện đại và quan trọng hơn là cơ hội để đổi mới, đột phá.

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực trong Hội thảo với chủ đề “Cách mạng Công nghiệp 4.0 – những xu hướng và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam” diễn ra sáng nay (18/8) tại Hà Nội.

Các diễn giả tại Hội thảo
Các diễn giả tại Hội thảo

Cơ hội và thách thức

Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không nhỏ, theo ông Lực: “Các doanh nghiệp (DN) nói chung và DN xuất nhập khẩu nói riêng sẽ đứng trước thách thức đầu tiên về công nghệ thông tin, nên rủi ro công nghệ sẽ tăng lên. Bên cạnh đó là những thách thức liên quan đến nguồn nhân lực vì công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng rất cao với kĩ năng và trình độ, kiến thức về công nghệ,… ở mức độ cao hơn cũng như ở góc độ pháp lý cũng phải ở mức cao hơn”.

“Ngoài ra, các DN cũng cần phải thay đổi nhận thức và lựa chọn của khách hàng và đối tác khi ứng dụng các công nghệ mới. Mặt khác, nếu các cơ quan quản lý chậm vào cuộc trước làn sóng của cuộc cách mạng này sẽ gây ra những cản trở nhất định đối với các DN trong chiến lược thực thi cách mạng 4.0”, chuyên gia kinh tế khẳng định thêm.

Có mặt tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định: “Các Bộ, ngành đang triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất đảm bảo Việt Nam “không bỏ lỡ con tàu” từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0”.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng hi vọng, “Thông qua Hội thảo, các doanh nghiệp có thể trực tiếp đối thoại với các chuyên gia, các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm thảo luận những thách thức, thuận lợi từ đó hiến kế cho các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả”.

“Về phía Bộ Công Thương – với chức năng quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu, luôn mong muốn được nghe những chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp về ứng dụng, triển khai thực tế Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu và phương thức để doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp, tận dụng được những lợi thế từ cuộc cách mạng này”, Thứ trưởng khẳng định thêm.

Kim ngạch xuất nhập khẩu

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm vừa qua, đạt tốc độ tăng bình quân là 17,5%/năm trong giai đoạn 2011-2015. Năm 2016, xuất khẩu của cả nước đạt 176,6 tỷ USD.

Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam xếp thứ 26 trong các nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Năm 2017, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ vượt mốc 200 tỷ USD.

Sự tăng trưởng trong xuất khẩu này đã đóng góp vai trò quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động, cân bằng cán cân thương mại, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, để có thể phát triển xuất khẩu bền vững đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp căn cơ về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, cần chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu, đồng thời chú trọng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các "nhà máy thông minh" hay “nhà máy số”, mà ở đó các thiết bị máy móc thông minh giao tiếp với nhau bằng hệ thống mạng, liên tục chia sẻ thông tin về lượng hàng hiện tại, lượng nguyên vật liệu và những thay đổi trong đơn đặt hàng hay về sự cố hoặc lỗi.

Nhờ vậy, chuỗi cung ứng sản xuất đạt hiệu quả cao nhất về thời gian xử lý, thời gian lưu kho, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, vật liệu. Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp cũng sẽ có những đột phá với những giống cây trồng mới.

Tuy nhiên, song song với việc nhiều loại vật liệu mới; sản phẩm mới được hình thành; những giao dịch xuất khẩu thực hiện hoàn toàn qua môi trường mạng thì cơ chế, chính sách quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu cũng cần điều chỉnh theo kịp với tình hình mới.

Như vậy mới có thể đảm bảo mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu cũng như đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn môi trường, an toàn lao động và các mục tiêu công cộng chính đáng khác phù hợp với những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

Thế Hưng