Doanh nghiệp Việt không nên sợ cách mạng công nghiệp 4.0

(Dân trí) - “Chúng ta đang nhìn cách mạng 4.0 bằng nhiều góc nhìn khác nhau nhưng không nên quá sợ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này. Vì nếu như nghe để biết, để hiểu về nó mà lại sợ nó thì chúng ta thất bại hoàn toàn”, GS. TS. Đinh Văn Nhã nhận định.


Buổi hội thảo Cách mạng 4.0 và Chiến lược mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam có sự tham gia của nhiều CEO, doanh nhân và chuyên gia hàng đầu về kinh tế, công nghệ của Việt Nam. (Ảnh: Hồng Vân)

Buổi hội thảo Cách mạng 4.0 và Chiến lược mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam có sự tham gia của nhiều CEO, doanh nhân và chuyên gia hàng đầu về kinh tế, công nghệ của Việt Nam. (Ảnh: Hồng Vân)

Tại buổi hội thảo "Cách mạng 4.0 và Chiến lược mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam" được tổ chức chiều qua (10/9), nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân đã đưa ra nhiều ý kiến, tham luận về sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 và cách mà các doanh nghiệp Việt ứng phó với nó.

Trong đó, GS. TS. Đinh Văn Nhã cho rằng, thực sự cách mạng 4.0 đã đi đến từng nhà, từng người, từng doanh nghiệp (DN) nên chúng ta không thể chần chừ được nữa. Thậm chí có những cái hôm nay đúng ngày mai sai, bởi vạn vật chuyển động rất nhanh, rất linh hoạt.

“Chúng ta đang nhìn cách mạng 4.0 bằng nhiều góc nhìn khác nhau nhưng không nên quá sợ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 này. Vì nếu như nghe để biết, để hiểu về nó mà lại sợ nó thì chúng ta thất bại hoàn toàn”, ông Nhã nhận định.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Đào Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Vihajico cho rằng, doanh nghiệp phải có tầm nhìn, công việc và hướng tới tương lai của DN theo hướng riêng của mình.

“Không có sự chắp vá nào thành công cả, phải có đầu óc tò mò một chút, nếu cứ nghe cách mạng công nghiệp 4.0 rồi sợ robot nên không muốn đầu tư phát triển gì là không được. Đây là thách thức nhưng cũng là điều tạo nên sự sáng tạo”, ông nói.

Do đó, doanh nghiệp Việt chúng ta nên tiếp cận với công nghệ mới, tập trung vào những tinh hoa, những người có kinh nghiệm để dẫn dắt doanh nghiệp.

Cụ thể, ông Nhã gợi ý, về vấn đề công nông nghiệp sạch, công nghệ cao thì thế giới không thể cạnh tranh với nước ta một cách quyết liệt được, chúng ta nên đi từ đó. "Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên hướng về du lịch, than sạch và công nghệ sẽ được thay thế những chất đốt mà khoảng 20-30 năm nữa sẽ cạn kiệt. Đó là lý do mà không phải ngẫu nhiên chiến tranh biển Đông hay Trung Đông xảy ra liên miên", vị GS. TS. này giải thích.

Ông Thanh cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt nên tìm chiến lược ngách, không đi theo những cái thế giới đã đi qua vì chúng ta đã bị bỏ quá xa.

Lấy ví dụ, ông Nhã cho biết nước Đức chính là nước phát triển cách mạng 4.0 từ năm 2000 và họ đi rất sớm. Nếu đi theo cách của Đức thì chúng ta không thể bắt kịp và hướng đi chính là phải có tầm nhìn chiến lược, đi trên vai những người khổng lồ và kết nối những nguồn lực ta có.

“Chúng ta phải chọn lọc thế mạnh chứ không bắt chước, nếu bắt chước ta sẽ mãi thất bại và đi sau, vì ta không bao giờ có đủ tiềm lực. Nếu muốn thành công phải có tầm nhìn, đào tạo, khuyến khích, nguồn lực và kế hoạch hành động, Chính phủ phải là người hành động đầu tiên”, ông Nhã nói.


Các chuyên gia thảo luận và cho rằng DN Việt nên xây dựng và mở rộng thị trường, phát triển đầu tư cho một thương hiệu thực sự mạnh, không nên dàn trải. (Ảnh: Hồng Vân)

Các chuyên gia thảo luận và cho rằng DN Việt nên xây dựng và mở rộng thị trường, phát triển đầu tư cho một thương hiệu thực sự mạnh, không nên dàn trải. (Ảnh: Hồng Vân)

Ngoài ra, ông Thanh cho rằng, dù là cách mạng công nghiệp lần thứ mấy thì cũng không có cách nào khác để phát triển DN ngoài tăng trưởng.

“Với Cách mạng 4.0 ngày nay nếu phát triển bình thường, có vận tốc mà không có gia tốc cũng là chết rồi. Nên theo quan điểm của tôi thì vấn đề tăng trưởng của DN là vấn đề cốt lõi”, ông Thanh nói.

Về vấn đề tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp, ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc FPT cho rằng, đầu tiên DN phải có triết lý kinh doanh, quản trị một cách đúng đắn và nhất quán.

Bên cạnh đó, ngoài việc phát triển không giới hạn ở trong nước thì phải có khát vọng toàn cầu hóa, ra nước ngoài kiếm ngoại tệ, làm giàu cho công ty, cho đất nước.

“DN chúng ta chỉ được tôn trọng khi đất nước chúng ta thực sự giàu. Đi cùng với đó, phải giữ được giá trị bất biến là đạo đức, khả năng ứng xử, đối nhân xử thế, trung thực, trung tín, yêu thương và nhân từ”, ông Bảo nói.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng là DN phải có ước vọng, phải có giá trị lớn hơn đồng tiền, là cống hiến cho đất nước, cho nhân loại như các tập đoàn lớn như Mcrosoft, Facebook,… Không thể kinh doanh trên sự chộp giật hay làm hại môi trường.

Hồng Vân