Thu thuế nhà thầu với tư thương nước ngoài?
(Dân trí) - Phản ánh về hiện tượng thương nhân nước ngoài thu mua nông sản, vật phẩm với những mục đích phi thương mại, làm ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và đời sống của nông dân, bà Nguyễn Vân Chi cũng đặt vấn đề phải quản lý thu thuế nhà thầu đối với các đối tượng này.
Ngày 7/11, góp ý kiến về dự luật Quản lý Ngoại thương, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, bà Nguyễn Vân Chi - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã đề cập đến vấn đề quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu của các thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.
Những thương nhân nước ngoài này không đăng ký kinh doanh tại Việt Nam song được quyền thu mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu hoặc bán hàng hóa vào thị trường trong nước thông qua các đại lý.
Nội dung này đang được quy định ngắn gọn tại Điều 6 về quyền tự do kinh doanh xuất, nhập khẩu và Điều 48 về hoạt động đại lý cho thương nhân nước ngoài tại dự luật này.
Theo phản ánh của bà Chi, trên thực tế hiện nay đang xảy ra tình trạng thương nhân nước ngoài thông qua các đại lý hợp pháp cũng như không hợp pháp thu gom hàng nông sản của Việt Nam để xuất khẩu. Những thương nhân này đang cạnh tranh đáng kể với các doanh nghiệp trong nước, trong nhiều trường hợp là cạnh tranh không lành mạnh.
Thậm chí là có những hiện tượng thu mua nông sản, vật phẩm với những mục đích phi thương mại, làm ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và đời sống của nông dân như đã được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông.
Mặt khác, theo cam kết mở cửa của Việt Nam, thương nhân nước ngoài cũng có bị những hạn chế nhất định về quyền bán lẻ. Song, trên thực tế thông qua những đại lý này hoặc thương nhân nước ngoài có thể lưu trữ hàng ở kho ngoại quan để phân phối trực tiếp cho khách hàng trong nước.
"Các thương nhân nước ngoài này mặc dù không có hiện diện thương mại tại Việt Nam nhưng họ đã tiến hành những hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và theo đó phải nộp thuế với lợi nhuận phát sinh tại Việt Nam. Vì vậy, ở đây cũng đặt ra vấn đề phải quản lý thu thuế nhà thầu đối với các đối tượng này", bà Chi nêu.
Vì vậy, vị đại biểu đề nghị ban soạn thảo có đánh giá cụ thể hơn về toàn bộ các hoạt động kinh doanh của thương nhân nước ngoài, nhất là những thương nhân nước ngoài trong các trường hợp không có hiện diện tại Việt Nam. Đồng thời, cần phối hợp với các cơ quan quản lý để thiết kế được những biện pháp và chính sách quản lý hữu hiệu.
Nội dung này cũng được đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đặt ra với ban soạn thảo luật. Vị đại biểu cho rằng, cần bổ sung quy định và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động ngoại thương.
"Chúng ta biết việc thương lái Trung Quốc núp bóng doanh nghiệp Việt thu mua, chèn ép, hàng hóa Trung Quốc nhập vào giả danh hàng Việt Nam thì luật này quan tâm đến vấn đề này như thế nào?", ông Nhường đặt câu hỏi.
Đại biểu tỉnh Bình Định cũng lưu ý rằng, trong khi các nước có hệ thống phòng vệ rất mạnh, chặt chẽ như việc kiện doanh nghiệp bán phá giá, hoạt động mua bán qua đường biên giới thì vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp này chưa thấy dự thảo luật đề cập.
Bích Diệp