Thu thuế kinh doanh qua Facebook: Không thể dựa trên sự tự nguyện

(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng, việc hơn 13.000 tài khoản kinh doanh qua Facebook vào "tầm ngắm" của ngành thuế TPHCM là phù hợp bởi kinh doanh phải đóng thuế. Tuy nhiên, việc kê khai và thu thuế không thể dựa trên sự tự nguyện.

Sợ... cào bằng

Cục Thuế TPHCM đã "tóm" được 13.469 tài khoản Facebook, website trên địa bàn thành phố có hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Để tiến tới thu thuế kinh doanh qua Facebook, chi cục thuế 24 quận, huyện của TPHCM sẽ tiến hành tiếp xúc các chủ tài khoản này để tìm hiểu kỹ hoạt động kinh doanh cũng như phương án kinh doanh có lâu dài hay không, trên cơ sở đó vận động kê khai đăng ký thuế.

Nhiều người kinh doanh trên mạng xã hội cho rằng, chính mình cũng chưa thống kê đầy đủ nguồn đầu tư cũng như doanh thu. Thậm chí, cơ quan thuế có yêu cầu kê khai thì họ cũng không thể nói hết "bí mật" kinh doanh của mình.

Nhiều tài khoản facebook có hoạt động kinh doanh đang kê khai với cơ quan thuế
Nhiều tài khoản facebook có hoạt động kinh doanh đang kê khai với cơ quan thuế

"Nếu yêu cầu nộp thuế, chúng tôi sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ nhưng làm sao cho công bằng là một chuyện không hề đơn giản. Tôi có thể khai doanh thu của tôi nhưng lỡ như những tài khoản khác khai không thật thì có cách nào biết được không? Khi đó, đối thủ của tôi lại chịu thuế ít, trong khi tôi thành thật khai báo lại bị thuế nhiều. Ai đem lại công bằng này?", anh Thanh Huy (ngụ Q. Phú Nhuận), chủ một cửa hàng trên mạng nói.

Luật sư Đào Nguyễn Hương Duyên cho rằng, việc truy tìm người bán hàng qua mạng không dễ "soát" hết trong một sớm một chiều. Rất khó tách bạch rạch ròi giữa doanh thu online và offline nên khó xác định đúng, đủ doanh thu để tính toán thuế.

"Chỉ có thể thu thuế khoán trên mỗi tài khoản Facebook chứ khó có thể xác định được thu nhập cụ thể. Do đó, việc đánh thuế kinh doanh online cần sự tự nguyện của chủ tài khoản", luật sư Duyên nói.

Cũng theo nữ luật sư này, khi chưa "tóm" được tất cả mà đã thực hiện thu thuế thì "thiệt thòi" cho những tài khoản đã tự nguyện khai báo. Hơn nữa, "bức tường" lớn nhất mà cơ quan thuế phải đối mặt đó là làm sao biết được doanh thu của những người bán hàng trên mạng.

Giải pháp nào chống thất thu thuế?

TS Bùi Quang Tín, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, để nhận diện đâu là Facebook có hoạt động kinh doanh, có doanh thu là vô cùng khó, đặc biệt là đối với các giao dịch kinh doanh qua Facebook chủ yếu là bằng tiền mặt. Nếu quản lý thuế mà chỉ dựa trên sự trung thực của đối tượng kinh doanh thông qua kê khai thì sẽ khó mang lại hiệu quả như mong muốn. Thậm chí, thất thu thuế ở lĩnh vực kinh doanh qua mạng xã hội là không hề nhỏ.

"Mức độ kê khai trung thực đến đâu thì rất khó xác định, vì các giao dịch này ít khi thanh toán qua tài khoản ngân hàng, cho nên phụ thuộc gần như hoàn toàn vào người khai", TS Bùi Quang Tín khẳng định.

Nếu giao dịch chỉ qua tiền mặt thì khả năng thất thu thuế kinh doanh online rất cao
Nếu giao dịch chỉ qua tiền mặt thì khả năng thất thu thuế kinh doanh online rất cao

Hiện nay, cơ quan thế xác định được các giao dịch kinh doanh trên Facebook chủ yếu là qua các comment và inbox. Để có được thông tin này thì cơ quan thuế phải phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông và cả Facebook. Cũng phải hết sức lưu ý với những tài khoản tuy có xác lập kinh doanh nhưng chưa chắc họ đã có giao dịch thành công để tránh thu thuế nhầm.

Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, đánh thuế kinh doanh qua mạng cũng giống như thuế kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, để đảm bảo minh bạch và tránh thất thu thuế thì phải yêu cầu chủ tài khoản kinh doanh qua Facebook phải thanh toán qua ngân hàng và cơ quan thuế phải có thông tin thêm từ phía ngân hàng về các giao dịch này để chống thất thu thuế qua kinh doanh mạng.

"Ở nước ngoài, sở dĩ thu được thuế vì tất cả các giao dịch hàng hóa đều được thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Do đó, nếu Việt Nam muốn thu thuế kinh doanh qua mạng hiệu quả thì phải đẩy nhanh quá trình thực hiện đề án "Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020" đã được Chính phủ phê duyệt với tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% đến cuối năm 2020", ông Tín đề nghị.

Công Quang