Thu nhập người Việt đang ở đâu để lên được 12.500 USD?

(Dân trí) - Thu nhập bình quân năm 2020 của người Việt đã tăng đáng kể so với báo cáo trước đó và con số này sẽ còn tăng rất mạnh trong khoảng 2 thập kỷ tới khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao.

Công bố mới nhất: Người Việt thu nhập bình quân 2.779 USD/năm

Năm 2020 quy mô kinh tế đạt 271,2 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 USD, trong khi con số đã báo trước đó là 268,4 tỷ USD và 2.750 USD (khoảng hơn 64 triệu đồng/người/năm).

Đây là báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 vừa được Chính phủ gửi Quốc hội ngày 22/3.

Thu nhập người Việt đang ở đâu để lên được 12.500 USD? - 1

Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập cao trong năm 2045 (ảnh minh họa: Bloomberg).

Chính phủ khẳng định đã thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2020 được Quốc hội giao, đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, có thêm 2 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu là: Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7% (số đã báo cáo là khoảng 1%); Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,88% (số đã báo cáo là 4,39).

Có 4 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 2,91% (số đã báo cáo là khoảng 2-3%); Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đạt 3,23% (số đã báo cáo là dưới 4%); Xuất siêu khoảng 20 tỷ USD, tương đương 7,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (số đã báo cáo là xuất siêu 7 tỷ USD, tương đương 2,6% tổng kim ngạch xuất khẩu); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,85% (số đã báo cáo là 90,7%).

Người Việt thu nhập 12.500 USD/người năm 2045: Hoàn toàn có thể

Theo Eddy Malesky - Giáo sư kinh tế chính trị, Đại học Duke (Mỹ), chuyên gia nổi tiếng về phát triển kinh tế, thể chế, kinh tế chính trị tại Việt Nam, mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng dựa trên quỹ đạo tăng trưởng hiện tại của Việt Nam, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được .

Vị chuyên gia tin rằng, Chính phủ Việt Nam cũng sẽ sớm tìm ra sự kết hợp giữa quản trị và quy định phù hợp. Từ đó, người tiêu dùng và người lao động được cung cấp đầy đủ "những biện pháp an toàn" mà doanh nghiệp cũng không chịu áp lực quá nặng nề.

Cải cách cần làm nhất bây giờ là cần có một thể chế hợp đồng và quyền tài sản phù hợp với một nền kinh tế đổi mới. Các doanh nghiệp cần được biết rằng những khoản đầu tư đắt tiền vào R&D sẽ mang lại trái ngọt, công việc kinh doanh của họ sẽ được đảm bảo an toàn về lâu dài.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể tự tin thực hiện các hợp đồng phức tạp với các đối tác kinh doanh mà họ không hề quen biết vì khi đó họ biết quyền lợi của họ được đảm bảo và các tranh chấp sẽ được phân xử công bằng.

Việt Nam cũng cần một hệ thống giáo dục đại học mà sinh viên được trang bị đầy đủ những kỹ năng linh hoạt có thể theo kịp với công nghệ sản xuất đang liên tục thay đổi, để người lao động bắt kịp dễ dàng với một nền kinh tế đổi mới.

"Thịnh vượng do 100 triệu người Việt quyết định, đừng ỷ lại vào nước ngoài"

Khát vọng Việt Nam đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao , năm 2045 trở thành nước phát triển, đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, hai mục tiêu trên rất cao và đầy tham vọng.

Để năm 2030 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao thì chúng ta phải đạt một loạt các tiêu chí về nhiều mặt. Trong đó, phát triển kinh tế - xã hội phải hiệu quả, liên tục, bền vững trong 10 năm tới. Mục tiêu năm 2045 càng cao hơn nhưng trước hết phải thực hiện được mục tiêu năm 2030 thì mới có cơ sở để đi tiếp.

Thu nhập người Việt đang ở đâu để lên được 12.500 USD? - 2

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trả lời phỏng vấn phóng viên Dân Trí.

Theo bà Lan, những nút thắt lớn cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vẫn chưa được tháo gỡ một cách cơ bản, dứt khoát. Tăng trưởng kinh tế tuy khá về tốc độ, nhưng chưa đạt yêu cầu, đặc biệt về các mặt chất lượng, hiệu quả, năng suất, tính cạnh tranh, tính bao trùm và bền vững.

Nội lực chưa được nâng cao tương xứng với tiềm năng và khát vọng phát triển của cả một đất nước gần 100 triệu dân với nguồn nhân lực dồi dào, với một khu vực tư nhân trong nước đang trưởng thành đầy sức sống, với bao tài nguyên còn bị phân bổ và sử dụng lãng phí, với không ít cơ hội thị trường bị bỏ lỡ…, trong khi thời gian trôi đi quá nhanh trong một thế giới đầy cạnh tranh và không ngừng chuyển động.

Nữ chuyên gia cho rằng, với khát vọng phát triển mới, sự thịnh vượng của một đất nước hơn 100 triệu dân phải do người dân Việt quyết định. Chúng ta không thể và không nên ỷ lại vào đầu tư nước ngoài. Bà dẫn Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định: "Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".

Tổng thầu Trung Quốc sắp hết "duyên nợ" với đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

Một thông tin cũng thu hút rất lớn sự quan tâm của độc giả tuần qua đó là các bên đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục để bàn giao toàn bộ Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong ít ngày tới. Sau khi rời Việt Nam, Tổng thầu Trung Quốc tiếp tục phải bảo hành dự án trong 2 năm.

Cụ thể, Dự án đã nghiệm thu 5/5 hạng mục công trình và 9/11 chuyên ngành thiết bị; chuyên ngành thiết bị Depot đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh thông số ngày 2/3/2021. Các đơn vị liên quan đang tiến hành công tác nghiệm thu công trình thành phần.

"Mặc dù còn rất nhiều việc nhưng chúng tôi có gắng bàn giao đúng tiến độ 31/3, các bên đang nỗ lực, hi vọng là ổn"- lãnh đạo Ban Quản lý dự án cho hay.

Đề cập tới việc có thông tin cho rằng do dự án sẽ chỉ được bàn giao từng phần mà không thể hoàn tất do vướng các thủ tục và có những khó khăn chưa giải quyết xong, lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt đã bác bỏ.

"Chúng tôi chưa bao giờ nói vậy. Dự án đang đi đúng hướng theo chỉ đạo của Thủ tướng và giai đoạn này là giai đoạn bàn giao toàn bộ dự án, không có chuyện bàn giao từng phần vì lí do vướng mắc" - lãnh đạo Ban QLDA khẳng định.

Giá xăng tăng không điểm dừng, dầu đột ngột giảm

Liên quan đến mặt hàng xăng dầu (có ảnh hưởng đến hầu hết người dân, doanh nghiệp trên cả nước), tại kỳ điều chỉnh chiều 27/3, giá xăng E5RON92 tăng 129 đồng/lít, trong khi giá các mặt hàng dầu giảm xuống.

Cụ thể, giá xăng E5RON92 tăng 129 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 165 đồng/lít; dầu diesel giảm 158 đồng/lít; dầu hỏa giảm 169 đồng/lít; dầu mazut giảm 12 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, xăng E5RON92 có giá bán tối đa là 17.851 đồng/lít; xăng RON 95 là 19.046 đồng/lít; dầu diesel 14.243 đồng; dầu hỏa 13.004 đồng/lít; dầu mazut 13.757 đồng/kg.

Theo Liên Bộ, tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân đang dần khôi phục trở lại nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

"Trong các kỳ điều hành gần đây, nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ BOG ở mức khá cao" - thông báo cho biết.

Kỳ điều hành lần này, liên Bộ cho biết nếu không tiếp tục chi Quỹ BOG, giá các loại xăng dầu sẽ tăng so với giá hiện hành khoảng 331-2.029 đồng/lít/kg.