(Dân trí) - Dân trí giới thiệu góc nhìn của ông Eddy Malesky, chuyên gia kinh tế đến từ Đại học Duke (Mỹ), về mục tiêu thu nhập bình quân đầu người Việt Nam vượt 12.500 USD năm 2045.
Chuyên gia kinh tế đến từ Đại học Duke (Mỹ) chia sẻ với Dân trí góc nhìn về mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao (hơn 12.500 USD/người) vào năm 2045. Mục tiêu này, theo ông, đầy tham vọng nhưng hoàn toàn có thể đạt được.
Ông là chuyên gia nổi tiếng về phát triển kinh tế, thể chế, kinh tế chính trị tại Việt Nam.
Từ năm 2014, ông là thành viên Hội đồng quản trị của Hiệp hội Kinh tế chính trị quốc tế (IPES). Đến năm 2019, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng nhóm Nghiên cứu Đông Nam Á (SEAREG).
Tại Việt Nam, Eddy Malesky có thời gian làm việc và nghiên cứu về điều hành kinh tế cấp tỉnh. Ông từng cùng với VCCI xây dựng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thúc đẩy sự cạnh tranh giữa tỉnh, thành phố về chất lượng điều hành cấp tỉnh nhằm xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thân thiện và thuận lợi cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Gần đây, nhiều tổ chức tài chính đã đưa ra những cái nhìn lạc quan về nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Tôi nghĩ đây là một mục tiêu đầy tham vọng.
Song dựa trên quỹ đạo tăng trưởng hiện tại của Việt Nam, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được. Tôi tin Chính phủ Việt Nam cũng sẽ sớm tìm ra sự kết hợp giữa quản trị và quy định phù hợp. Từ đó, người tiêu dùng và người lao động được cung cấp đầy đủ "những biện pháp an toàn" mà doanh nghiệp cũng không chịu áp lực quá nặng nề.
Cải cách cần làm nhất bây giờ, theo quan điểm của tôi, là Việt Nam cần có một thể chế hợp đồng và quyền tài sản phù hợp với một nền kinh tế đổi mới. Các doanh nghiệp cần được biết rằng những khoản đầu tư đắt tiền vào R&D sẽ mang lại trái ngọt, công việc kinh doanh của họ sẽ được đảm bảo an toàn về lâu dài. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể tự tin thực hiện các hợp đồng phức tạp với các đối tác kinh doanh mà họ không hề quen biết vì khi đó họ biết quyền lợi của họ được đảm bảo và các tranh chấp sẽ được phân xử công bằng.
Ngoài ra, tôi cho rằng các bạn cũng cần một hệ thống giáo dục đại học. Trong hệ thống này, sinh viên được trang bị đầy đủ những kỹ năng linh hoạt có thể theo kịp với công nghệ sản xuất đang liên tục thay đổi, để người lao động bắt kịp dễ dàng với một nền kinh tế đổi mới.
Một vấn đề nữa là thị trường lao động. Việt Nam cũng cần có một thị trường lao động linh hoạt, cho phép các công ty liên tục tìm kiếm liên tục những lao động có kỹ năng phù hợp. Ngược lại, người lao động cũng có quyền được lựa chọn công việc phù hợp khả năng và được thưởng một cách xứng đáng khi đầu tư nhân lực của chính mình.
Cơ hội và tiềm năng là thế song không phải là không có thách thức.
Thách thức lớn nhất tôi thấy các bạn sẽ đối mặt cũng là thách thức mà các nước khác trải qua. Đó là biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường có thể tổn hại đến loại hình kinh tế đổi mới mà các bạn đang hướng tới. Tôi nghĩ ngay bây giờ, chúng ta cần phải kích hoạt các biện pháp bảo vệ, đảm bảo khuyến khích phát triển nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường, làm suy yếu tài sản thiên nhiên quý giá nhất của Việt Nam và sức khỏe của người dân.
Tại Mỹ, chúng tôi có câu nói, đó là "Hãy nhắm đến mặt trăng. Nếu trượt, bạn vẫn hạ cánh giữa các vì sao". Chúng ta hãy đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để xem liệu ta có thể thực hiện được chúng hay không. Vì ngay cả khi không làm được như vậy, cuối cùng bạn vẫn sẽ được ở một nơi tốt hơn.
Với các mục tiêu về kinh tế của Việt Nam, tôi luôn coi đây không phải là một "bài tập khoa học về dự báo kinh tế" mà là một cách tạo điểm nhấn nhằm truyền tải năng lượng.
Thời gian vừa qua, khi toàn cầu trải qua đại dịch lịch sử thì Việt Nam các bạn gần như trở thành "ngôi sao sáng" trong vấn đề ứng phó với Covid-19.
Dự báo sản xuất có thể sẽ phục hồi nhanh hơn khi thị trường quốc tế hồi sinh. Ngành nghề dịch vụ, nơi chiếm đa số lực lượng lao động trong nước, sẽ mất nhiều thời gian hơn để trở lại như trước.
Theo tôi, trong quá trình chuyển đổi, Chính phủ nên ưu tiên giải quyết các "cú sốc ngoại sinh" (chỉ điều gì đó gây tác động lớn nhưng lại xuất phát từ bên ngoài hệ thống) một cách công bằng nhằm đảm bảo tất cả từ doanh nghiệp đến người dân đều nhận được sự chia sẻ.
Đặc biệt, Việt Nam có thể đầu tư nguồn lực để đào tạo lại những người lao động hiện có nhu cầu tìm việc làm trong các lĩnh vực có khả năng phục hồi cao hơn.
Tuy nhiên, cách quản lý của Chính phủ đối với các chính sách nhằm giảm nhẹ tác động của cuộc khủng hoảng lại thường chỉ phổ biến trong nhóm các công ty đã biết về chính sách này.
Do tác động nặng nề của đại dịch, các hoạt động kinh doanh đang tạm thời bị tạm dừng, dự báo có thể doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc đóng cửa nghiêm ngặt hơn nữa. Để khảo sát quan điểm của các doanh nghiệp trong vấn đề này, một số công ty đã được chọn ngẫu nhiên để nhận được thông báo khác nhau.
Một nửa trong số đó được biết sẽ có 25% xác suất dịch bệnh bùng phát lần hai, trong khi nửa còn lại được thông báo xác suất là 75%. Kết quả cho thấy, số lượng doanh nghiệp ủng hộ việc đóng cửa nghiêm ngặt để ngăn chặn cuộc khủng hoảng giả định nêu trên là rất cao, khoảng 85% đối với cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Trong đó, nhóm những công ty nhận được thông báo với xác suất cao hơn chỉ ủng hộ khoảng 25%.
Phát hiện này cho thấy nguồn hỗ trợ mà Chính phủ Việt Nam đã xây dựng trong cộng đồng doanh nghiệp để quản lý khéo léo đại dịch. Các doanh nghiệp tin tưởng phản ứng của Chính phủ đối với đại dịch là đúng đắn. Do đó họ sẵn sàng đóng cửa doanh nghiệp bất chấp thiệt hại về kinh tế để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.