1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thu nhập 3.200 - 3.500 USD/người 5 năm tới: Tiềm năng lớn cho công nghiệp ô tô

(Dân trí) - Dự báo đến năm 2021, Việt Nam sẽ đạt thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD. Với quy mô dân số 100 triệu dân, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đây là một thị trường rất tiềm năng cho ngành công nghiệp ô tô. Do đó, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục có những chính sách để theo đuổi mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Công nghiệp ô tô chưa đạt mục tiêu

Câu hỏi ngắn gọn được đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chiều ngày 15/11 đó là: công nghiệp ô tô của Việt Nam có đạt được các mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa? Giá bán xe có hợp lý không? Bộ trưởng đánh giá thế nào về chất lượng xe và giá bán xe ở Việt Nam? Việc bảo hộ sản xuất xe trong nước có bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp?

Bên cạnh đó, vị đại biểu cũng bày tỏ mối băn khoăn về hiện tượng chuyển giá trong nhập khẩu phụ tùng xe lắp ráp trong nước.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận: "Về công nghiệp ô tô chúng ta đã có mục tiêu, chiến lược, tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua khi tổng kết lại chương trình công nghiệp ô tô, chúng ta chưa đạt được những mục tiêu cả về việc tham gia trong chuỗi cung ứng của thị trường thế giới cũng như việc tăng tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm của ngành công nghiệp ô tô trong nước".

"Mổ xẻ" những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ô tô chưa đạt được mục tiêu, Bộ trưởng cho biết, thứ nhất là do dung lượng thị trường vốn đã nhỏ nhưng lại không có chủ trương ưu tiên, tạo điều kiện cho các tập đoàn đầu tư có kinh nghiệm, tiềm lực, công nghệ và có sức lan tỏa tham gia để hình thành chuỗi sản phẩm trong nước, mà lại có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia.

Thứ hai, các chính sách mặc dù về mục tiêu và ý nghĩa đều đúng, tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện lại chưa dành được sự quan tâm, chưa có nguồn lực hỗ trợ chính sách để đảm bảo hiệu quả của các chính sách, dẫn đến chưa có sự liên kết, hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ, các nhà sản xuất có vệ tinh. Vì vậy, hạn chế hiệu quả của ngành sản xuất ô tô trong nước.

Thứ ba là vấn đề chuyển giao công nghệ. Theo đánh giá của Bộ trưởng, sự tham gia của các doanh nghiệp ô tô lớn trên thế giới trong việc tiếp tục phát triển cả về khía cạnh công nghệ cũng như thị trường sản xuất tại Việt Nam không đảm bảo và chưa có những cơ chế chính sách để thực hiện được phần chuyển giao công nghệ.

Nhu cầu ô tô ngày càng tăng
Nhu cầu ô tô ngày càng tăng

Phấn đấu tham gia vào các chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới

Mặc dù đến năm 2018, Việt Nam sẽ thực hiện việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan nhập khẩu ô tô Việt Nam, song theo tuyên bố của người đứng đầu ngành công thương thì Việt Nam vẫn đang tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh lại chiến lược công nghiệp ô tô để thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2018 và các năm tiếp theo với mong muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô và các ngành sản xuất cơ khí nội địa để đảm bảo có giá trị gia tăng.

Dự báo đến năm 2021, Việt Nam sẽ đạt thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD/người. Với quy mô dân số 100 triệu dân, theo Bộ trưởng, đây là một thị trường rất tiềm năng cho ngành công nghiệp ô tô. Ông Tuấn Anh cũng nhìn nhận, ý nghĩa của ngành công nghiệp ô tô đối với phát triển nền công nghiệp nói chung cũng như đối với nền kinh tế là rất to lớn.

"Vì vậy, mục tiêu của chúng ta sẽ cố gắng làm sao tập trung ưu tiên bằng các chính sách, cơ chế thuế phù hợp và ưu đãi để hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn bằng những dự án lớn có quy mô, có thể tạo ra hiệu quả và sức lan tỏa với các ngành kinh tế", Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay.

Theo đó, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ tập trung vào dòng xe dưới 9 chỗ ngồi, xe tải, xe khách và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, sản xuất chế tạo trong nước phải chiếm từ 30-40% các dòng xe này; đến năm 2025 tỷ lệ nội địa đạt mức 40-50%. Lúc đó, công nghiệp ô tô của Việt Nam có điều kiện tiếp cận và tham gia vào các chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.

Về cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển công nghiệp ô tô, Bộ trưởng Công Thương cho biết, sẽ bao gồm các chính sách về thuế cũng như chính sách đồng bộ phát triển hạ tầng, về cơ sở giao thông, các chính sách về khuyến khích phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Từ chối bình luận về giá ô tô, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, vấn đề này liên quan đến hình thức thuế đánh vào các mặt hàng ô tô nhập khẩu cũng như ô tô phục vụ tại thị trường trong nước. Ông hy vọng sắp tới, với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô thì điều kiện phục vụ cho người tiêu dùng sẽ được cải thiện.

Vị Bộ trưởng cũng cho biết, chưa có thông tin cụ thể về chuyển giá trong phụ tùng ô tô và trong nước. Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra để đảm bảo sự phát triển bền vững, tránh hiện tượng trực lợi cũng như gian lận trong hoạt động thương mại và sản xuất tại Việt Nam của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bích Diệp