Phát triển công nghiệp ô tô thành ngành kinh tế chủ lực

(Dân trí) - Báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Bộ Công Thương thừa nhận, mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi 60% vào năm 2010 chưa đạt khi đến nay, tỷ lệ này mới chỉ đạt bình quân khoảng 7-10%. Mục tiêu giá bán xe hợp lý, phù hợp túi tiền người dân cũng không đạt được.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, hôm nay (10/11), tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp về tình hình phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ Công Thương, Tài chính, Giao thông, Kế hoạch Đầu tư, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo các nhà sản xuất ô tô lớn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc họp (ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc họp (ảnh: VGP)

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến nay ngành sản xuất ô tô có trên 400 doanh nghiệp, đa số có quy mô vừa và nhỏ. Tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 460.000 xe/năm. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, doanh nghiệp trong nước khoảng 53%. Giai đoạn 2001 – 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao, đạt 17%/năm.

Mỗi năm, chỉ tính riêng các khoản thuế, ngành công nghiệp ô tô đóng góp khoảng trên 1 tỷ USD cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, ngành đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 100 ngàn lao động trực tiếp.

Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hoá cau, đáp ứng về cơ bản nhu cầu của thị trường. Chẳng hạn, xe tải đến 7 tấn sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỉ lệ nội địa hoá trung bình 55%. Xe khách từ 10 chỗ trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, tỉ lệ nội địa hoá trên 45%.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, một số sản phẩm nhựa. Trong số 400 doanh nghiệp, chỉ một số rất ít đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

"Mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi 60% vào năm 2010 đã hoàn toàn thất bại", báo cáo thừa nhận khi thực tế cho đến nay, tỷ lệ này mới chỉ đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó cao nhất là Toyota Việt Nam với riêng dòng Inova, đạt 37%.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam cũng chưa tạo ra được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá trong sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất phụ tùng, linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Mục tiêu giá bán xe hợp lý, phù hợp túi tiền người dân cũng không đạt được. Giá bán xe tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Toàn cảnh phiên họp (ảnh: VGP)
Toàn cảnh phiên họp (ảnh: VGP)

Trước thực tế các loại thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm mạnh trong vài năm tới do thực hiện các thoả thuận thương mại, đại diện Công ty ô tô Trường Hải cho rằng, sẽ có 2 kịch bản:

Thứ nhất, các công ty đang sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, đồng thời có các cơ sở sản xuất lớn hơn tại các nước ASEAN, sẽ cố gắng duy trì sản xuất, duy trì một vài dòng xe, còn lại sẽ chuyển hướng sang nhập khẩu.

Kịch bản thứ hai là sẽ xuất hiện một làn sóng đầu tư mới của các hãng lớn nhưng chưa có nhà máy tại ASEAN. Cùng với việc thực hiện các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, rất có thể các nhà đầu tư này sẽ muốn qua Việt Nam để hướng tới thị trường khu vực. Như vậy, nếu có chính sách đúng, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan, khách quan dẫn đến nhiều mục tiêu của các chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô trước đây không đạt. Chẳng hạn, việc mục tiêu đề ra quá cao, không phù hợp với thị trường. Chưa tạo được sự hợp tác, liên kết, chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Một nguyên nhân khác là việc các cơ chế, chính sách đối với ngành ô tô còn thiếu, chưa đồng bộ.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu "phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam", tạo động lực phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu cho người dân, doanh nghiệp, hướng đến xuất khẩu.

Muốn đạt mục tiêu này, Phó Thủ tướng khẳng định phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, sự đồng thuận giữa Chính phủ và doanh nghiệp, phải lấy mục tiêu phát triển để hành động, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hay các doanh nghiệp phụ trợ. Trong đó, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì, thường xuyên tổ chức các cuộc làm việc chuyên đề để tháo gỡ khó khăn, phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Bích Diệp