Thống nhất chủ trương giảm giá điện vì dịch Covid-19
(Dân trí) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong đề xuất gửi Chính phủ về các giải pháp về chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh vì dịch Covid-19.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 hôm nay (10/4), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã nêu đề xuất hàng loạt nội dung liên quan tới việc sử dụng nguồn tài chính.
Đối với giá điện, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ Tài chính thống nhất chủ trương giảm giá điện cho một số đối tượng chịu tác động bởi dịch.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính, kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải có phương án cân đối để tránh trường hợp lỗ và treo lại các khoản lỗ gây áp lực tăng giá trong năm 2021, nhất là sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác là đầu vào của sản xuất điện (than cho sản xuất điện, khí...), rà soát, tính toán lại chi phí mua điện năm 2020, các thông số đầu vào như giá than, dầu, khí, tỷ giá, sản lượng, cơ cấu sản lượng điện vào để giảm giá.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, qua rà soát cả 2 phương án của Bộ Công Thương và EVN, nguồn kinh phí thực hiện là giảm trực tiếp vào doanh thu của EVN, từ đó cũng tác động làm giảm các khoản thu ngân sách nhà nước từ thuế và lợi nhuận sau thuế so với dự toán.
Đối với các mặt hàng khác, như than, gas, xăng dầu, hiện đã thực hiện điều hành theo cơ chế thị trường, trong đó, mặt hàng xăng dầu, gas tiếp tục có xu hướng giảm trong tháng 4. Trước đó, giá đã giảm sâu trong tháng 2 và tháng 3/2020.
Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra, đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình để kịp thời đề xuất các giải pháp bổ sung khi cần thiết.
Trước đó, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép miễn, giảm giá điện đối với một số đối tượng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đề xuất giảm giá đối với các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4.
Theo đó, nhóm khách hàng dưới 300 kWh/tháng sẽ được hỗ trợ trên 10% tiền điện hàng tháng. Đây là các đối tượng chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức, công nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Ước số tiền hỗ trợ khách hàng sinh hoạt là 2.930 tỷ đồng.
Ngoài điện sinh hoạt, Bộ Công Thương cũng trình Chính phủ giảm giá điện sản xuất, kinh doanh; miễn, giảm giá điện cho các cơ sở phòng dịch.
Trong đó, để tạo điều kiện ngành du lịch sớm khôi phục sau khi hết dịch, Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch giảm từ mức giá áp cho khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng giá cho các hộ sản xuất, áp dụng từ tháng 4/2020.
Tổng số tiền hỗ trợ ước tính cho việc miễn, giảm tiền điện cho các đối tượng theo phương án Bộ Công Thương đưa ra dự kiến khoảng 10.974 tỷ đồng.
Châu Như Quỳnh