1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thống đốc: Doanh nghiệp xăng dầu gặp khó không phải do ngân hàng

Thảo Thu

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước khẳng định, doanh nghiệp xăng dầu gặp khó khăn vì định mức về chi phí nhập khẩu xăng dầu, công thức tính giá cơ sở... không phải do hạn mức cấp tín dụng, lãi suất vay.

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình gửi tới sau Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung đáng chú ý liên quan đến việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp xăng dầu.

Cụ thể, cử tri đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi và nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước.

Theo cử tri, việc này tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ được nhanh chóng nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ xăng, dầu và duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường, góp phần đảm bảo dự trữ xăng dầu, ổn định an ninh năng lượng quốc gia, không bị đứt gãy nguồn cung theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Thống đốc: Doanh nghiệp xăng dầu gặp khó không phải do ngân hàng - 1

Hạn mức tín dụng cho 34 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu còn 96.053 tỷ đồng (Ảnh: Mạnh Quân).

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm, ưu tiên cấp tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

"Đặc biệt từ tháng 3/2022, trước biến động phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới và diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương giao", văn bản trả lời nêu.

Cơ quan này khẳng định các ngân hàng báo cáo đều đã dành hạn mức tín dụng cấp đủ cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu với lãi suất ưu đãi và cung cấp đủ nguồn ngoại tệ để các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này.

Theo số liệu báo cáo của 27 ngân hàng thương mại, đến tháng 12/2022, tổng hạn mức 27 ngân hàng cấp cho 34 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu là 171.429 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 75.376 tỷ đồng. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa sử dụng hết hạn mức các ngân hàng thương mại cấp là 96.053 tỷ đồng (khoảng 56% tổng hạn mức được các ngân hàng cấp).

Mức lãi suất mà các ngân hàng thương mại cấp cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thường ưu đãi so với thị trường. Mức cho vay ngắn hạn bằng VND trong khoảng 5,3-9%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 9,4-10,5%/năm. Lãi suất cho vay bằng ngoại tệ từ 2,1-4,5%/năm.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thị trường xăng dầu khan hiếm là do ảnh hưởng của diễn biến bất thường từ thị trường xăng dầu thế giới và nhiều doanh nghiệp xăng dầu hoạt động kinh doanh không hiệu quả, bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động và nhập khẩu cầm chừng.

"Ngoài ra, các doanh nghiệp xăng dầu còn gặp khó khăn do các quy định liên quan đến định mức về chi phí nhập khẩu xăng dầu, công thức tính giá cơ sở chưa phù hợp… chứ không phải nguyên nhân do hạn mức cấp tín dụng, lãi suất vay hay nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng Nhà nước", Ngân hàng Nhà nước nêu quan điểm.