Chủ cây xăng bức xúc đòi chiết khấu

Văn Hưng

(Dân trí) - Các đại biểu Quốc hội chỉ ra nhiều vướng mắc, bất cập liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, các chủ cây xăng đòi chiết khấu cố định trong cơ cấu giá xăng.

Sáng nay (28/2), Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng sự biến động của thị trường xăng dầu trong nước hiện nay như biến động giá, thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ vừa có nguyên nhân chủ quan là các cơ chế, chính sách, quy định quản lý Nhà nước chưa phù hợp.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá tình hình thị trường xăng dầu vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, phải sớm đánh giá lại tình hình thị trường xăng dầu, xác định rõ vướng mắc, tìm ra nguyên nhân khách quan và chủ quan, đề ra giải pháp căn cơ, toàn diện để khắc phục.

Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu các bộ, ngành sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là kịp thời sửa đổi các nghị định, thông tư có liên quan; thực hiện đầy đủ và phân định trách nhiệm rõ ràng của các bộ, ngành, địa phương cũng như của các doanh nghiệp để đáp ứng nguồn cung…

Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong những quy định hiện hành như doanh nghiệp sản xuất được hưởng cơ chế đặc thù nhưng không có cam kết về mức sản lượng tối thiểu, dẫn đến sự bị động khi phải tìm nguồn thay thế; xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng theo luật mà vẫn cất trữ chung trong kho thương mại của doanh nghiệp, dẫn đến thiếu minh bạch; phương pháp tính giá có nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tính cạnh tranh.

Chủ cây xăng bức xúc đòi chiết khấu - 1

Doanh nghiệp phản ánh chiết khấu bán xăng đang bị bóp nghẹt (Ảnh: Đỗ Quân).

Ngoài ra, việc áp đặt định mức chi phí, lợi nhuận cho tất cả doanh nghiệp dẫn đến triệt tiêu động lực cạnh tranh; chưa "tính đúng, tính đủ" cho doanh nghiệp, một số yếu tố cấu thành giá được rà soát định kỳ 6 tháng, hàng năm; việc xác định giá thế giới trong công thức tính giá cơ sở bằng cách lấy "giá trung bình" của 10 ngày trước kỳ điều hành để cấu thành "giá trần" cho 10 ngày sau vừa không bảo đảm tính chất "trần", vừa tạo ra sự "lệch pha" giữa giá Việt Nam và giá thế giới…

Đến gần cuối phiên, đại diện doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được mời tham gia ý kiến. Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc tại Trà Vinh, thay mặt các doanh nghiệp góp ý về điều kiện cần và đủ để chuỗi cung ứng xăng dầu hoạt động ổn định.

Theo ông, phần chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức trong kinh doanh xăng dầu cần chia rõ ở 3 khâu: đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ. Riêng khâu bán lẻ phải đạt giá trị 5-6% trên giá bán thì chủ cây xăng mới đủ trang trải chi phí hoạt động để trả lương cho nhân viên, điện nước, trả lãi ngân hàng, chi phí mặt bằng...

Ông Tây cho rằng phần chi phí cơ bản trên thuộc sở hữu của doanh nghiệp bán lẻ, và được ghi trong giá cơ sở. Tuy nhiên, vừa qua không có quy định rõ ràng và chế tài cụ thể, nên doanh nghiệp đầu mối toàn quyền định đoạt và hưởng hết phần chi phí này. Khi doanh nghiệp đầu mối lỗ, họ dùng khoản này để bù vào.

Theo quy định, cơ cấu giá xăng cố định chi phí định mức kinh doanh (1.050 đồng/lít với xăng RON 95 và 1.250 đồng/lít với xăng E5 RON 92) và lợi nhuận định mức (300 đồng/lít). Các doanh nghiệp đầu mối sẽ tính toán trong khoản này để thỏa thuận mức chiết khấu cho các mắt xích trong hệ thống của mình, tức gồm chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ.

Ngoài ra, Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc đề xuất sửa quy định cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở ít nhất 3 nơi, nhằm đảm bảo nguồn cung không bị giới hạn. Điều này cũng giúp các chủ cây xăng có thêm phần thù lao mềm, khi các nhà cung cấp cạnh tranh với nhau hơn.

Theo đó, sau khi kết thúc phiên giải trình, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ hoàn thiện báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành có liên quan về 8 vấn đề của ngành xăng dầu: nguồn cung, dự trữ, giá, quỹ bình ổn giá, điều kiện kinh doanh, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, công tác quản lý Nhà nước, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.