1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thoái vốn khỏi Vinamilk, FPT: "Vội vàng sẽ khó có giá tốt!"

(Dân trí) - Theo TS Nguyễn Đức Thành, để giá hấp dẫn phải thoái từ từ theo yêu cầu của thị trường đồng thời lượng cung vốn thoái không quá lớn để giá thị trường không bị xuống sâu.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Thoái từ từ để không mất giá

Trao đổi về việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ tiến hành thoái vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn bao gồm những “tên tuổi” như Vinamilk, FPT, TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, việc Nhà nước thoái vốn khỏi các doanh nghiệp thương mại, sản xuất hàng tiêu dùng là cần thiết nhưng vấn đề cần quan tâm là giá.

Theo TS Thành, để giá hấp dẫn phải thoái từ từ theo yêu cầu của thị trường đồng thời lượng cung vốn thoái không quá lớn để giá thị trường không bị xuống sâu. Điều này không phụ thuộc vào Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hay nước ngoài mà người sở hữu, họ có quyền lợi bảo vệ vốn.

"Hiện tôi cảm thấy tư tưởng đúng nếu như thoái vốn ồ ạt mà không đếm xỉa đến giá chúng ta sẽ rơi vào dễ dãi trong thực hiện tư tưởng”, ông Thành nói.

Với việc thoái vốn Nhà nước khỏi Vinamilk, ông Thành cho rằng, đây có thể là cơ hội để tái phân phối cho cán bộ nhân viên đặc biệt người lao động trong doanh nghiệp. Do đó, nên có sự phân bổ cổ phiếu cho cán bộ nhân viên giá ưu đãi như với các doanh nghiệp nhà nước khác.

Đánh giá về động thái này, chuyên gia phân tích của HSBC cho rằng: "Chính phủ đã thông báo rằng họ đã chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện việc thoái vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp đã được niêm yết là một thông tin tốt".

Mặc dù thời hạn cho việc thoái vốn chưa rõ ràng, nhưng HSBC cho rằng việc tập trung nỗ lực cải tổ doanh nghiệp nhà nước chú trọng chất lượng hơn số lượng là một bước đi đúng hướng. Cuối cùng, quyết định của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn có thể sẽ gắn với vấn đề tài chính khi ước tính có thể mang về 4 tỷ USD cho ngân sách Chính phủ.

Sẽ hút nhà đầu tư đa quốc gia

Dưới góc độ một nhà đầu tư nước ngoài, tại buổi họp báo diễn ra mới đây tại Bangkok, Thái Lan, ông Aree Chavalitcheewingul, Phó chủ tịch Tập đoàn Hoàng gia Thái Lan (SCG) cho biết, việc Chính phủ Việt Nam đã đồng ý nới room cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như lên kế hoạch thoái vốn tại 10 doanh nghiệp nhà nước thực sự là các thông tin tốt với nhà đầu tư nước ngoài. 

"Trong danh sách 10 doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ quyết định sẽ thoái vốn có hai công ty mà SCG đang nắm cổ phần là Nhựa Thiếu niên Tiền Phong và Nhựa Bình Minh. Không chỉ có các tin tốt về việc nới room và thoái vốn, Việt Nam cũng đã kết thúc đàm phán TPP nên cơ hội đầu tư của SCG tại Việt Nam cũng như nhiều nhà đầu tư khác khi có TPP là rất lớn", ông Chavalitcheewingul nói.

Ông Chavalitcheewingul cho rằng, những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam rất quan tâm đến việc có thể nâng tỷ lệ sở hữu, nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp tại Việt Nam lên trên 50% để có thể chuyển giao những công nghệ, giải pháp sáng tạo mà không lo ngại gặp rủi ro nào khác (từ các đối tác nắm giữ cổ phần khác).

"Với các tín hiệu trên, SCG đang cân nhắc các khả năng tiếp tục đầu tư vào Việt Nam", ông nói.

Tuy nhiên, về góc độ này, chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ, ông Glenn Maguire cho rằng, trong quá trình cổ phần hóa, mối quan tâm được đặt ra hàng đầu chính là sự công bằng và đối xử bình đẳng. Đặc biệt trong một nền kinh tế phát triển nhanh và đa dạng như Việt Nam, việc thâu tóm được những món cổ phần này mang lại rất nhiều lợi ích.

Theo ông Glenn Maguire, cổ phần hoá, tư nhân hóa luôn là vấn đề mà hầu hết các quốc gia Châu Á phải đương đầu. Việt Nam đang thâm nhập vào một trong những chuỗi cung ứng phức tạp nhất thế giới, cùng tương tác với Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Trung Quốc, nhiều tập đoàn đa quốc gia chắc chắn sẽ quan tâm tới cổ phần doanh nghiệp nhà nước để chen chân được vào chuỗi cung ứng quốc tế.

TS Nguyễn Đức Thành cũng cho rằng: "Với các nhà đầu tư, cần có sự mở rộng bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Còn về nghiệp vụ, SCIC, người đại diện vốn Nhà nước phải làm sao để có giá tốt trên cơ sở không tỏ ra hấp tấp, vội vàng, cuống quýt”.

Phương Dung

Thoái vốn khỏi Vinamilk, FPT: "Vội vàng sẽ khó có giá tốt!" - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm