Thị trường ô tô Việt Nam sẽ “vượt mặt” Thái Lan?

(Dân trí) - Đây là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội VAMA - ông Yoshihisa Maruta. Theo đó, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng năm 2020-2030 sẽ phổ cập ô tô tại Việt Nam và chắc chắn nhìn dài hạn, thị trường ô tô Việt Nam sẽ phát triển quy mô vượt qua thị trường ô tô Thái Lan.

Với 90 triệu dân, thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều dung lượng
Với 90 triệu dân, thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều dung lượng
 
Tại buổi Tọa đàm Đối thoại chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho biết, hiện nay tổng năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô khoảng 460.000 xe/năm, phần lớn mới dừng ở lắp ráp giản đơn, trong đó xe con tỉ lệ nội địa hóa của Thaco đạt 15-18%;Toyota Việt Nam đạt 37% (riêng cho dòng xe Inova). Với xe tải nhẹ, tỉ lệ nội địa hóa của Thaco đạt 33%, Vinaxuki đạt 50%. 

Nguyên nhân được đánh giá là do ô tô Việt Nam ra đời muộn so với các nước trong khu vực, công nghiệp hỗ trợ và hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ trong khi đó, mức sống chưa cao nên dung lượng thị trường còn nhỏ.

Để ngành công nghiệp ô tô phát triển theo chiến lược và quy hoạch Chính phủ đã đề ra, Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp như các chính sách hỗ trợ và ưu đãi như chính sách thuế; chính sách khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất 3 dòng xe ưu tiên phát triển có công suất tối thiểu 100.000 xe/năm; chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. 

Đồng thời, theo ông Tuấn, Bộ cũng đưa ra một số giải pháp như tăng cường kiểm soát kê khai giá tính thuế đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc và linh kiện nhập khẩu; tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu động cơ, xe ô tô, chống buôn lậu, gian lận thương mại…

Không ít các đại biểu tham gia tọa đàm này đặt ra mối băn khoăn: Liệu doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam nên làm thế nào khi tới đây Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và dự kiến đến năm 2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ bằng 0?

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco Trường Hải cho rằng, doanh nghiệp muốn cạnh tranh được, tham gia được thị trường thì phải giảm giá thành ở tất cả các khâu từ sản xuất, bán hàng... xuống 15-20%. Hơn nữa, phải nhận ra rằng, muốn sản xuất được ô tô thì phải có thị trường, có sản lượng. Trong đó, sản lượng rất quan trọng quyết định đến thành công của doanh nghiệp. Vì vậy, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tham gia được thị trường phải dự đoán được thị trường. 

“Khó doanh nghiệp nào có thể bỏ cuộc!”

Theo ông Dương, việc tỉ lệ nội địa hóa thấp là do dung lượng thị trường còn chưa cao, bởi nền kinh tế của Việt Nam thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở hạ tầng, nhập siêu…Vì vậy, đại diện Thaco cho rằng, Chính phủ có những điều tiết về sản phẩm là điều tất yếu. Tuy nhiên thời gian tới, nếu kinh tế ổn định thì chiến lược, quy hoạch phát triển với mong muốn năm 2020 sẽ đạt được 300.000 xe là điều có thể làm được. Bởi “với con số 90 triệu dân sẽ là điểm đến đầu tư của nhiều hãng xe lớn trên thế giới, việc thu hút đầu tư là rất khả quan” - ông Dương lạc quan, song cũng lưu ý rằng, điều này còn phụ thuộc vào kinh tế thực tế của Việt Nam khi đó sẽ thế nào.

Việc thu hút đầu tư vào công nghiệp ô tô Việt Nam còn rất khả quan
Việc thu hút đầu tư vào công nghiệp ô tô Việt Nam còn rất khả quan

Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Honda Việt Nam thì khẳng định, thị trường 90 triệu dân là một thị trường lí tưởng, là môi trường thuận lợi khó có doanh nghiệp nào có thể bỏ qua. Thêm nữa, Chính phủ tạo điều kiện bằng việc quy định chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô, điều đó chứng tỏ, Chính phủ quan tâm đến phát triển ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, đại diện Honda Việt Nam cũng có đề xuất Chính phủ có thêm những ưu đãi cụ thể về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế cho các linh kiện không nhập từ ASEAN, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất đối với doanh nghiệp ô tô trong nước.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) - ông Yoshihisa Maruta (Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam) nhìn nhận, về dài hạn, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có tiềm năng lớn với dân số 90 triệu dân. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng năm 2020 đến 2030 sẽ phổ cập ô tô tại Việt Nam và chắc chắn nhìn dài hạn, thị trường ô tô Việt Nam sẽ phát triển quy mô vượt qua thị trường ô tô Thái Lan. 

Tuy nhiên, năm 2018 sẽ bị áp thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bằng 0 trong khi ngành sản xuất ô tô trong nước chưa phát triển vững mạnh, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường ô tô các nước trong khu vực. Vì thế, vị này cho rằng, Việt Nam cần đề ra các chính sách, các công cụ để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ô tô trong nước cùng các công cụ để bảo hộ để ngành công nghiệp này phát triển một cách ổn định, bền vững. 

Đứng ở góc độ là Chủ tịch VAMA, ông Yoshihisa Maruta cũng lý giải, ngành ô tô chưa đạt được tỉ lệ nội địa hóa cao nguyên nhân chính là do sản lượng còn thấp. Theo đại diện VAMA, doanh nghiệp Việt cần tăng sản lượng mỗi mẫu xe, cắt giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) thì cho rằng, khó có thể có doanh nghiệp nào bỏ cuộc với thị trường còn nhiều dung lượng như ở Việt Nam, trong khi Chính phủ cũng đã khẳng định muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô với những chiến lược, quy hoạch phát triển ngành rất cụ thể. 

Tuy nhiên, theo ông Long, để các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam trụ vững, việc các doanh nghiệp đề xuất giảm các vấn đề về thuế chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, chính bản thân các doanh nghiệp trong nước phải biết liên kết với nhau mới có thể xây dựng một ngành công nghiệp ô tô phát triển bền vững.

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”