Lo "cá mập nước ngoài", doanh nghiệp bán lẻ trong nước xin hàng loạt ưu đãi

(Dân trí) - Với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà bán lẻ nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Thái Lan, các nhà bán lẻ trong nước lo ngại không thể cạnh tranh được về cả giá cả lẫn chất lượng sản phẩm.


Việc Big C bị Central Group thâu tóm cho thấy, bán lẻ VN ngày càng yếu thế.

Việc Big C bị Central Group thâu tóm cho thấy, bán lẻ VN ngày càng yếu thế.

Bắt đầu từ tháng 1/2015, thị trường bán lẻ Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn theo cam kết với WTO. Theo đó, quy định cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài và loại bỏ rào cản thuế quan cho khu vực kinh tế chung ASEAN chính thức có hiệu lực, dự báo sẽ tạo nên làn sóng xâm nhập mạnh mẽ chưa từng thấy từ các đại gia bán lẻ nước ngoài. Đó là chưa kể các Hiệp định song phương, khu vực kinh tế ASEAN và đặc biệt là TPP mà Việt Nam đã ký kết tham gia. Đây không chỉ là thời cơ mà còn là thách thức hết sức to lớn đối với các nhà kinh doanh lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Trước làn sóng đổ bộ của hàng loạt các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài lớn, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đã có công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhằm trình bày thực trạng tình hình bán lẻ trong nước và những nguy cơ khi các nhà bán lẻ nước ngoài chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam, cũng như kiến nghị các giải pháp cấp bách để tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho các nhà kinh doanh bán lẻ trong nước và kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài.

Theo ước tính của Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, hiện trên cả nước có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại. Phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại này lại chỉ tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành. Khu vực nông thôn, ngoại thành hầu như vắng bóng các hệ thống bán lẻ. Chính vì thế, có thể nói thị phần bán lẻ hiện đại Việt Nam còn đang bị bỏ ngỏ khá nhiều, nhưng tiềm năng phát triển còn rất lớn và trong tương lai sẽ thay thế dần kênh bán lẻ truyền thống theo xu hướng phát triển chung của thế giới và khu vực.

Về mức độ cạnh tranh, thị trường bán lẻ hiện đại ngày càng xuất hiện nhiều các nhà bán lẻ nước ngoài, nhất là từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa. Bên cạnh các nhà bán lẻ nước ngoài đã có mặt sớm và đang tăng tốc phát triển mạng lưới như Big C (32 siêu thị), Metro (19 siêu thị), Lotte Mart (11 siêu thị) thì xuất hiện thêm nhiều tên tuổi lớn. Nhà bán lẻ lớn thứ 4 của Pháp là SuperAuchan đã hợp tác với RH Group (thành viên của C.T Group) dự kiến sẽ phát triển 15 siêu thị tại TPHCM từ 3 siêu thị hiện tại.

Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cũng lưu ý, gần đây lại xuất hiện xu thế các nhà bán lẻ nước ngoài rút lui lại nhường hệ thống của mình cho nhà bán lẻ nước ngoài khác quan tâm đến thị trường Việt Nam hơn và có chính sách cạnh tranh quyết liệt hơn để thâu tóm thị trường. Điển hình có thể kể tới như Aeon ngoài 3 trung tâm mua sắm lớn đã mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart. Hay sự xuất hiện của các thương hiệu bán lẻ Thái Lan gồm có: Mega Market (mua lại từ Metro Cash&Carry), B’s Mart và Central Group đã và đang tận dụng cơ hội đưa hàng Thái vào Việt Nam.

“Xét về quy mô sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được với hàng Thái Lan. Về giá cả, hàng Thái Lan so với hàng Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn rẻ hơn, cạnh tranh hơn nên phù hợp hơn với số đông người tiêu dùng Việt Nam”, Hiệp hội thừa nhận.

Đánh giá tác động của việc mở cửa thị trường đến nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước, Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng, thị phần của các nhà bán lẻ trong nước đang có xu hướng thu hẹp dần trên các kệ hàng tại các điểm bán lẻ. Điều này làm ảnh hưởng đến nền sản xuất trong nước thông qua việc các nhà sản xuất giảm khả năng và sản lượng sản xuất, từ đó giảm khả năng cạnh tranh của hàng nội trước hàng ngoại. Lúc đó hàng hàng sẽ chi phối nền sản xuất trong nước.

“Sau nhiều năm triển khai vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, tỷ trọng hàng Việt trong các siêu thị đã tăng lên nhanh chóng, từ chưa đầy 50% lên mức 80-90% hiện tại. Tuy nhiên, khảo sát sơ bộ tại một số hệ thống có yếu tố nước ngoài thì tỷ lệ hàng ngoại vẫn chiếm phần không nhỏ”, báo cáo nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội này, các nhà sản xuất trong nước nhận định hàng Việt đảm bảo chất lượng vào siêu thị nội thì không khó, nhưng lại gặp nhiều trở ngại nếu muốn chen chân vào siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài. Đa số các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài cũng yêu cầu các thủ tục như: giấy chứng nhận, kiểm định nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế… giống như siêu thị nội nhưng mức chiết khấu rất cao.

“Như vậy, các chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Bình ổn giá” không phát huy được tính chất của nó trong việc nhằm điều tiết thị trường, tiêu thụ mạnh hàng Việt”, Hiệp hội đánh giá.

Hiệp hội cũng cho rằng, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, cũng như việc gia nhập các FTA và TPP thì lộ trình các nhà bán lẻ nước ngoài 100% vốn vào Việt Nam từ 1/1/2015. Tuy nhiên, chính sách bảo hộ của Nhà nước đối với doanh nghiệp bán lẻ trong nước hiện nay khá lỏng lẻo, nhà bán lẻ trong nước hầu như không được bảo vệ trong suốt thời gian qua theo như tinh thần mà đoàn đàm phán WTO của Việt Nam dự tính.

"Trong khi đó, một số nước châu Á hiện có chính sách bảo hộ nhà bán lẻ trong nước khá mạnh mẽ. Hơn nữa, các nhà bán lẻ nước ngoài đã vi phạm quy định về một số mặt hàng không được phân phối với nhà đầu tư nước ngoài như gạo, đường mía, thuốc lá, xì gà… Tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ của hầu hết các đơn vị như Lotte, Big C, Circke K, Metro Cash & Carry… đều có bán công khai các mặt hàng này, đáng nói là không hề bị nhắc nhở và xử phạt, gây nên sự hoàn nghi về tính tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp này”, Hiệp hội cho hay.

Theo đó, Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM kiến nghị một loạt các giải pháp nhằm hỗ trợ các nhà bán lẻ trong nước. Trong đó, kiến nghị lập quy hoạch chặt chẽ mạng lưới bán lẻ nhằm kiểm soát tình trạng một số nhà bán lẻ nước ngoài tự do mở điểm bán hàng ngay bên cạnh và cạnh tranh quyết liệt với nhà bán lẻ trong nước.

“Trong thời gian chờ đợi văn bản pháp luật được chỉnh sửa, đề nghị các cơ quan hữu quan ngưng cấp phép đầu tư cho các nhà bán lẻ nước ngoài mở điểm bán mới và cho kiểm tra rà soát toàn bộ công tác cấp phép để mở điểm bán mới đối với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài”, Hiệp hội kiến nghị.

Ngoài ra, Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cũng kiến nghị siết quy định về giao đất, cho thuê đất với doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài. Đồng thời, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước như dành vị trí đất đẹp kèm giá thuê hợp lý, thuế và vốn ưu đãi, điều chỉnh cơ chế, chính sách sao cho thật thông thoáng, an toàn với doanh nghiệp bán lẻ trong nước…

Phương Dung

Lo "cá mập nước ngoài", doanh nghiệp bán lẻ trong nước xin hàng loạt ưu đãi - 2