1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thay vì chật vật với mục tiêu 6,7%, Việt Nam có thể tăng trưởng 8-9%

(Dân trí) - Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Phát huy nội lực - Phát triển bền vững”, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế (CIEM) cho rằng, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải ở mức 8-9% thay vì mục tiêu 6,7% như đã đặt ra.

Thay vì chật vật với mục tiêu 6,7%, Việt Nam có thể tăng trưởng 8-9%?
Thay vì chật vật với mục tiêu 6,7%, Việt Nam có thể tăng trưởng 8-9%?

Có thể tăng trưởng 8-9%

“Dư địa phát triển, tăng trưởng của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt 8-9% chứ không phải 6,7% mà vẫn loay hoay như hiện nay”, TS Nguyễn Đình Cung nhận định tại Diễn đàn Kinh tế.

Để có dư địa tăng trưởng, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, trước hết phải cải thiện hiệu quả khu vực kinh tế Nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, cần tạo thuận lợi thúc đẩy giải ngân FDI đã cam kết hiện còn khoảng 180 tỷ USD và 15 tỷ USD ODA đã ký nhưng chưa giải ngân.

"Khối tài sản của doanh nghiệp Nhà nước khoảng 300 tỷ USD, nếu tăng được 1 điểm % hiệu quả thì có 3 tỷ USD, bằng 1,5 điểm phần trăm GDP. Khu vực này có dư địa để đạt được 4%. Trong khi đó, khối tài sản của khối kinh tế tư nhân vào khoảng 200 tỷ USD, nếu tăng 1 điểm % thì chúng ta cũng đã có thêm 2 tỷ USD", ông Cung nói.

Ngoài ra, ông Cung cho rằng, việc giảm chi phí cho doanh nghiệp cũng sẽ góp phần tạo dư địa rất lớn cho tăng trưởng kinh tế. Hiện chi phí logistic chiếm gần 21% GDP, nếu giảm được 1% thì có 4 tỷ USD, còn giảm 1-2% trong tầm tay, có gần 10 tỷ USD.

"Hiện 66% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức. Doanh nghiệp càng lớn càng bị thanh tra nhiều. Hiện nay mới có 48% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh nhưng con số này những năm 2000 – 2006 là 70-80%. Như vậy có thể thấy, vẫn còn có cơ hội thúc đẩy những doanh nghiệp hiện hành mở rộng đầu tư, phát triển kinh doanh", ông Cung nhận định.

Cũng theo vị này, cần tập trung vào tăng trưởng 2 vùng kinh tế động lực là Hà Nội và TPHCM, hai địa phương chiếm 50% GDP cả nước và hơn 2/3 tổng thu ngân sách cả nước... Bên cạnh đó, cần tập trung vào những ngành tập trung vào tăng năng suất lao động để phân bố nguồn lực tốt hơn.

Theo đó, ông Cung kiến nghị, ngoài ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, thì Chính phủ cần phải kiên quyết thực hiện kỷ luật tài khoá. Đồng thời tập trung hạ tầng cho TPHCM, thực hiện cổ phần hoá theo tiến độ Nghị quyết của Quốc hội, dùng tiền cổ phần hoá thực hiện dự án trọng tâm trọng điểm phát triển hạ tầng tại 2 đầu tàu kinh tế Hà Nội, TPHCM, cắt giảm ít nhất 50% sản phẩm thuộc quản lý chuyên ngành nhóm 2.

"Hiện nay đang kiểm tra chuyên ngành 35% hàng xuất – nhập khẩu, trong khi các nước khác chỉ 5-10%. Nếu Việt Nam chỉ cần giảm 15% chỗ này cũng giảm được hàng tỷ USD chi phí logistic", ông nói thêm.

Vẫn còn nhiều dự báo khó khăn

Nói về tăng trưởng kinh tế, phát biểu khai mạc trước đó, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 6,4% từ năm 2000 đến nay và tỉ lệ đói nghèo đã giảm mạnh song cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay so với cách đây 20 năm không có sự thay đổi rõ rệt. Trong đó, xuất khẩu chủ lực nằm ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn doanh nghiệp nội chỉ đóng góp trong lĩnh vực dệt may, nông sản.

Ngoài ra, một phần cho tăng trưởng từ nguồn lực bên ngoài chứ không phải nội lực bên trong. Bởi những lý do đó mà chúng ta cần đánh giá lại mô hình và chất lượng tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh cấp bách khi thời kỳ dân số vàng chỉ còn ngắn ngủi trong 10 năm nữa.

Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Chương trình Kinh tế Fulbright, cho rằng dự báo mức tăng trưởng GDP lạc quan nhất cũng chỉ đạt 6,4% bởi các rào cản thể chế chưa khắc phục được và sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng trung – dài hạn. Trong khi đó, thông điệp Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính... trong ngắn hạn đã cải thiện nhưng trong trung hạn phải đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công.

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư thẳng thắn thừa nhận, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 ở mức 6,7% là hợp lý và tuy nhiệm vụ khó khăn nhưng có thể đạt được. Trong đó, các giải pháp được đề cập là tăng khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô, 2 triệu tấn than, xuất khẩu khoáng sản tồn kho, đặt mục tiêu cao hơn cho phát triển nông nghiệp...

PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% hoàn toàn “chính đáng”, cũng giống như chúng ta có nhu cầu “ăn ít nhưng mặc sang”.

"Nếu không đạt được mục tiêu này thì một số cân đối vĩ mô khác có thể bị phá vỡ, kéo theo kinh tế ngày càng tụt hậu xa so với khu vực, nguy cơ rơi vào bẫy tăng trưởng ngày càng hiện hữu và ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng khi 2 năm liền không đạt mức tăng trưởng", ông nói.

Phương Dung