Thủ tướng đặt vấn đề kỷ luật nếu không hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng

(Dân trí) - Đặt vấn đề về việc xử lý kỷ luật nếu không làm tốt, không hoàn thành nhiệm vụ (trừ trường hợp bất khả kháng như thiên tai, nhân tai từng xảy ra trong năm 2016), Thủ tướng nêu: “Ai là người chịu trách nhiệm từng chỉ tiêu tăng trưởng trong từng lĩnh vực?”.

Tin từ Cổng thông tin điện tử của Chính phủ cho hay, sáng nay (3/6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 5/2017 của Chính phủ.

Tại phiên họp, Thủ tướng đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 có nhiều thuận lợi: Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, thu hút FDI tăng trưởng tốt; dịch vụ, du lịch tăng. Đặc biệt, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đạt nhiều kết quả khi “đây là tháng kỷ lục về việc thành lập doanh nghiệp mới (50.500 doanh nghiệp được thành lập trong những tháng đầu năm)”.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng đã triển khai việc hoàn thuế giá trị gia tăng điện tử trên toàn quốc từ ngày 12/5, đây được cho là bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu bàn về con số cụ thể, không nói chung chung, vô thưởng vô phạt (ảnh: VGP)
Chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu bàn về con số cụ thể, không nói chung chung, vô thưởng vô phạt (ảnh: VGP)

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chính phủ, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Sản xuất công nghiệp tăng 5,7%, thấp hơn cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư còn chậm. Nông nghiệp còn khó khăn. Nhập siêu lớn. Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới lớn nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp rời bỏ thị trường, cho thấy doanh nghiệp còn gặp khó khăn.

Do đó, nội dung chính của phiên họp này là “chúng ta làm gì để tăng trưởng đạt mục tiêu 6,7%, có làm được như Chỉ thị 24 ngày 2/6 không”? Điểm lại một số nhiệm vụ, những con số, chỉ tiêu cụ thể đề ra trong Chỉ thị 24 đối với từng ngành, từng lĩnh vực, Thủ tướng nêu rõ cần tổ chức thực hiện đến nơi, đến chốn.

Nói tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ cần tập trung đánh giá khó khăn, vướng mắc tại cuộc họp này. Đề xuất biện pháp tháo gỡ cụ thể, nhất là tháo gỡ các thủ tục ràng buộc, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Cần tập trung tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty, các địa phương.

“Giờ đã là tháng 6 rồi, việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chủ trương của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ càng phải gắt gao hơn với tất cả các cấp, các ngành”, Thủ tướng lưu ý.

Do đó, yêu cầu của Thủ tướng đặt ra cho phiên họp tháng này là bàn các giải pháp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư, một khâu yếu kém. Tăng trưởng trong quý này là bao nhiêu, vào lĩnh vực nào? Đẩy mạnh cổ phần hóa như thế nào khi còn 5 triệu tỷ đồng đang nằm trong doanh nghiệp Nhà nước? Chính sách tiền tệ, tài khóa, quản lý giá dịch vụ y tế, giáo dục trong tháng 6 thế nào để giữ ổn định kinh tế vĩ mô?

Đặt vấn đề về việc xử lý kỷ luật nếu không làm tốt, không hoàn thành nhiệm vụ (trừ trường hợp bất khả kháng như thiên tai, nhân tai từng xảy ra trong năm 2016), Thủ tướng nêu: “Ai là người chịu trách nhiệm từng chỉ tiêu tăng trưởng trong từng lĩnh vực?”.

“Tóm lại, phiên họp này bàn về những con số, chứ không thể là lời văn chung chung, vô thưởng vô phạt”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Chúng ta nói bài diễn văn rất dài nhưng con số đó có đi vào trong đời sống, vào nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng cấp, từng địa phương không?”, người đứng đầu Chính phủ nêu câu hỏi và yêu cầu cần phải có những giải pháp cụ thể hơn nữa, cần những biện pháp khả thi hơn nữa. Những vấn đề này sẽ được làm rõ hơn trong phiên họp lần này của Chính phủ.

Bích Diệp (ghi)