VEPR: Múc dầu cứu tăng trưởng có thể đi ngược lại với tinh thần "kiến tạo"

(Dân trí) - Bên cạnh khuyến nghị Chính phủ cần kiên trì mục tiêu cải cách môi trường kinh doanh và giải phóng nguồn lực của kinh tế tư nhân, tạo động lực tăng trưởng, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chỉ rõ khai thác thêm dầu thô để bù đắp tăng trưởng có thể đi ngược với tinh thần "kiến tạo" và dễ đi vào lối tư duy kế hoạch hóa.

Tại Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2017 vừa được Viện VEPR, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra những quan điểm về đề nghị tăng khai thác thêm 1,5 triệu tấn dầu thô để giữ vững mục tiêu tăng trưởng 6,7% của Chính phủ.

Các chuyên gia kinh tế và học giả lo lắng về động lực cho tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn.
Các chuyên gia kinh tế và học giả lo lắng về động lực cho tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn.

Cụ thể, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, VEPR dự báo, sẽ có hai kịch bản của nền kinh tế. Thứ nhất là tăng trưởng theo trạng thái gần với tình trạng “tự nhiên” khiến nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng 6,37%. Mức tăng này phản ánh xu thế lớn của nền kinh tế là vẫn đang trong hướng hồi phục, nhưng chậm chạp.

Với kịch bản thứ hai, VEPR giả định, mức tăng trưởng đạt chỉ tiêu 6,7%, trên cơ sở dự báo các mức tăng tương ứng của các khu vực trong nền kinh tế. Trong hoàn cảnh ấy, Chính phủ được giả định bảo đảm cam kết đốc thúc sát sao các ngành, các lĩnh vực đạt mức tăng sản lượng theo kế hoạch chi tiết đã đề ra. Đặc biệt, ngành dầu khí được coi như một phương tiện để bù đắp các thiếu hụt về chỉ tiêu GDP.

Vì lý do đó, trong kịch bản này, khu vực kinh tế Nhà nước có sự tăng trưởng cao hơn trung bình những năm trước. Đồng thời, lĩnh vực khai khoáng cũng có mức tăng trưởng sản lượng lớn hơn các năm.

"Điều đáng chú ý là phương thức để đạt mức tăng trưởng 6,7% thực chất là đi ngược lại với tinh thần “kiến tạo”. Nói cách khác, Chính phủ lại một lần nữa áp dụng lối tư duy kế hoạch hóa, áp đặt chỉ tiêu lên các đối tượng kinh tế", VEPR nhận định.

VEPR cho rằng, phấn đấu vì một mục tiêu tăng trưởng cao ngắn hạn sẽ đồng nghĩa với việc khó bền vững trong trung và dài hạn.

"Việc Chính phủ phải dựa vào các đối tượng kinh tế như dầu thô để đạt chỉ tiêu tăng trưởng, có thể khiến Chính phủ phải thỏa hiệp với những điều kiện cải cách, qua đó trì hoãn những điều chỉnh mà một Chính phủ kiến tạo cần thúc đẩy", các chuyên gia của Viện VEPR khuyến nghị.

VEPR cho rằng: Phương thức giao chỉ tiêu mà không tạo ra những cơ chế khuyến khích hay tạo động lực mới, sẽ không mang lại kết quả bền vững. Như vậy, hoặc là Chính phủ sẽ luôn phải duy trì chế độ kế hoạch hóa (với hiệu quả giảm dần) hoặc nền kinh tế sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng thấp khi Chính phủ từ bỏ phương thức quản lý này.

Đồng thời, cả hai khả năng trên đều cho thấy cơ hội “kiến tạo” bị bỏ lỡ. Vì vậy, việc truy đuổi tốc độ tăng trưởng cao trong ngắn hạn có thể phải đánh đổi cơ hội phục hồi tăng trưởng bền vững trong trung hạn.

VEPR khuyến nghị Chính phủ cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy và tạo ra giá trị mới cho tăng trưởng, trong đó cần tiếp tục ưu tiên cao nhất cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cởi trói cho doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm khắc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên cũng như những khoản hỗ trợ dành cho hoạt động nhờ vào NSNN như khu vực hội, đoàn thể.

Bên cạnh đó, “Nhà nước cần thoái vốn một cách quyết đoán khỏi các DNNN lớn, đặc biệt tại một số ngân hàng thương mại Nhà nước. Việc này có thể giúp bổ sung nguồn NSNN, đồng thời tạo điều kiện cho các NHTM vẫn có đủ nguồn vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh”, Viện VEPR đề nghị.

Nguyễn Tuyền