1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thấy gì khi ngành thuế quyết truy thu 821 tỷ đồng của Coca-Cola?

An Linh

(Dân trí) - Ngoài Coca-Cola bị truy thu hơn 821 tỷ đồng, năm 2020 Heineken cũng bị truy thu số thuế hơn 900 tỷ đồng... Theo chuyên gia về thuế, cuộc chiến chống chuyển giá, trốn thuế của FDI mới chỉ bắt đầu.

Năm 2020, dư luận bất ngờ khi hai đại gia FDI tại Việt Nam bị cáo buộc trốn thuế. Hoạt động của Coca-Cola tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1995, nhưng phải từ năm 2007 đến 2015, những vấn đề về thuế của Coca-Cola mới bị đem ra mổ xẻ và công ty này ngay sau đó bị truy thu thuế.

Thấy gì khi ngành thuế quyết truy thu 821 tỷ đồng của Coca-Cola? - 1

Hai ông lớn ngành nước giải khát tại Việt Nam từng bị truy thu thuế gần nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo kết luận của Tổng cục Thuế, ba vấn đề liên quan mà Coca-Cola bị truy thu thuế lớn là: Hoạt động liên quan đến nhà phân phối, mua sắm vật dụng - tủ lạnh và đặc biệt là hoạt động khuyến mãi...

Theo chia sẻ của đại diện Tổng cục Thuế, các kết luận của ngành thuế đều có cơ sở và đã quan sát nhiều năm. Các doanh nghiệp FDI thường được biệt đãi các cơ chế, chính sách nhưng lại lợi dụng các kẽ hở của pháp luật hoặc sử dụng các hệ thống quản trị, chuỗi sản xuất của mình để chuyển giá nhằm giảm lợi nhuận.

"Nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động sản xuất thông thường, sau nhiều năm lỗ do khấu hao, chi phí cố định, hoạt động sản xuất vẫn lỗ. Tuy nhiên, dù tuyên bố lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn mở rộng sản xuất, tuyển lao động thêm", chuyên gia về thuế cho biết.

Vốn hoạt động ở các nước có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, có chuỗi sản xuất rộng khắp thế giới và đội ngũ tư vấn luật hùng hậu, nên các doanh nghiệp FDI thường hay "chiêu trò" với những nước có hệ thống pháp luật còn có kẽ hở hoặc có sự khác biệt. Chính vì vậy, theo các chuyên gia về thuế, để "bắt" được doanh nghiệp FDI trốn thuế, chuyển gia, không đơn giản.

"Hoạt động chuyển giá, trốn thuế quy mô lớn, làm nhiều năm ở các nước khác nhau nên rất khó phát hiện và khi phát hiện, nếu thiếu các căn cứ, rất khó để xử lý", đại diện Tổng cục Thuế cho biết.

Năm 2020, cơ quan thanh tra Thuế, Tổng cục Thuế đã truy thu Heineken Việt Nam số tiền hơn 916 tỷ đồng cho giao dịch hơn 4.800 tỷ đồng mà doanh nghiệp này thực hiện cuối năm 2018 liên quan đến quá trình chuyển nhượng vốn.

Ngoài ra, các hoạt động như giá mua nguyên vật liệu từ công ty con tại nước ngoài, kê khai khống hợp đồng từ đối tác thứ 3 của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng nằm trong tầm ngắm của cơ quan thanh tra Thuế.

Tháng 6/2020, Kiểm toán Nhà nước cho biết, các doanh nghiệp FDI kê khai, báo lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước. Điều bất hợp lý là dù thu lỗ liên tục, lỗ lớn nhưng các doanh nghiệp này vẫn mở rộng sản xuất

Từ năm 2018 đến 2019, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. TPHCM có tới gần 60% trong số trên 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 - 2011.

Điều đáng lo ngại là khi các doanh nghiệp FDI báo lỗ thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi, nhất là trong lĩnh vực may mặc, giày da.

Xét về quy mô các doanh nghiệp FDI đã chiếm tới khoảng 20% GDP, khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu, chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách Nhà nước... Vì vậy, việc FDI báo lãi, trốn trách nhiệm nộp thuế sẽ khiến các khoản thất thu ngân sách Nhà nước khá lớn.