Thanh tra Chính phủ: Hà Nội buông lỏng quản lý nhiều dự án bất động sản

(Dân trí) - Theo kết luận thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý sử dụng đất, quỹ nhà để lại theo các quyết định của UBND thành phố Hà Nội giai đoạn 2002-2014 mới hoàn thành, Thanh tra Chính phủ cho rằng, UBND thành phố Hà Nội, các sở, ngành liên quan đã buông lỏng qản lý, gây thất thoát ngân sách nhà nước.


Dự án Khu đô thị Kim Văn-Kim Lũ cũng có nhiều sai phạm về nộp thuế sử dụng đất

Dự án Khu đô thị Kim Văn-Kim Lũ cũng có nhiều sai phạm về nộp thuế sử dụng đất

Buông lỏng quản lý, gây thất thu ngân sách

Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), qua thanh tra trực tiếp 38 dự án trong thời kỳ trên cho thấy, việc thực hiện hàng loạt các Quyết định (QĐ) của UBND thành phố Hà Nội về quản lý đất đai, triển khai đầu tư, xây dựng các dự án trên địa bàn Hà nội như QĐ 123/2001/QĐ-UB ngày 6/12/2001; QĐ số 76/2004/QĐ-UB ngày 19/5/2004; QĐ số 87/2004/QĐ-UB ngày 19/5/2004....là "không hiệu quả".

"Một chủ trương, một quyết định đúng đắn nhằm điều tiết lợi ích từ nhà đầu tư một phần cho Nhà nước để hình thành quỹ nhà ở, quỹ đất của thành phố phục vụ các yêu cầu chung, nhưng đã để xảy ra nhiều sai phạm", TTCP đánh giá.

Cũng theo TTCP, nguyên nhân của tình trạng trên là do có: "Buông lỏng quản lý, tinh thần trách nhiệm các sở ngành theo chức năng, nhiệm vụ chưa cao; sự chỉ đạo của Thành phố thiếu quyết liệt, thiếu kiểm tra đôn đốc"

"Việc sử dụng nguồn lực không tuân thủ quy định pháp luật, gây thất thu ngân sách nhà nước", kết luận của TTCP nêu.

Cụ thể hơn, đánh giá về QĐ 123/2001/QĐ-UB ngày 6/12/2001 của UBND thành phố Hà Nội, theo TTCP, văn bản này quy định chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị phải thực hiện nghĩa vụ nộp 20% quỹ đất ở hoặc 30% quỹ nhà ở để bổ sung vào quỹ nhà ở của thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, phần lớn các dự án lại được UBND thành phố Hà Nội cho phép thực hiện cơ chế nộp tiền phần tiền chênh lệch giữa giá bán kinh doanh so với giá thành xây dựng/

"Trong khi, việc xác định giá bán và giá thành chưa chính xác, gây thất thu cho ngân sách nhà nước", TTCP nhận định.

Cũng theo TTCP, việc tính toán và phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư khu nhà ở, khu đô thị không căn cứ vào Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Hầu hết các dự án ở giai đoạn này, liên ngành Hà Nội đã trình UBND thành phố khi xác định giá tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư trong đó tổng chi phí phát triển dự án đã đưa vào một số khoản chi phí không đúng quy định của pháp luật như: chi phí dự phòng, thuế VAT, chi phí giải phóng mặt bằng, lãi vay ngân hàng… để giảm trừ, dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi về kinh tế, trong khi ngân sách nhà nước bị thất thu số tiền lớn, ước khoảng trên 6.000 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra cũng cho biết, có dự án sai mức giá quy định trong bảng giá đất ban hành hàng năm do xác định không đúng vị trí. Trong khi đó, một số dự án chủ đầu tư tự ý điều chỉnh quy hoạch đất, quy hoạch xây dựng nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích thay đổi, gây thất thu ngân sách nhà nước với số tiền tạm xác định khoảng 205,9 tỷ đồng.

Trong số này có các dự án lớn như: Dự án khu đô thị mới Dịch Vọng do CTCP phát triển đô thị Từ Liêm đầu tư; dự án nhà ở cao tầng ô đất CT2, dự án khu đô thị Xa La do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (của ông Lê Thanh Thản) đầu tư…

Cá biệt có những dự án đã được giao đất trong thời gian dài, nhưng sở ngành không tham mưu trình UBND thành phố phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất nên chủ đầu tư không có cơ sở nộp tiền sử dụng đất nhưng vẫn đầu tư xây dựng, kinh doanh và bán căn hộ, số tiền tạm tính lên tới 733 tỷ đồng.

Nhiều dự án khi được thanh tra có sai phạm về quy hoạch làm tăng diện tích đất xây dựng, tăng diện tích sàn xây dựng, tăng diện tích tầng hầm, sử dụng diện tích đất thuê sai quy hoạch… nhưng chưa xác định được phần diện tích tăng thêm, chưa thu đủ tiền sử dụng đất. Danh sách gồm các dự án như: khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) do Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Thăng Long; dự án khu nhà ở Trung Văn do CTCP Xây dựng 3 (Vinaconex 3) làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị mới Nghĩa Đô - Dịch Vọng do Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh phát triển nhà Hà Nội đầu tư; dự án khu đô thị TP giao lưu Từ Liêm do CTCP ĐTXD Quốc tế Vigeba đầu tư…

Tổng số tiền sai phạm lên tới trên 1.562 tỷ đồng

Số liệu tổng hợp kết quả thanh tra tại 38 dự án cho thấy, tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra lên tới hơn 1.562 tỷ đồng. Trong đó, có tới 733 tỷ đồng số tiền sử dụng đất chưa nộp tại lô đất CT2 thuộc Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ và hơn 611 tỷ đồng do việc xác định các nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư chưa đúng, chưa đủ và chưa nộp.


Theo TTCP, nhiều quyết định của UBND Thành phố Hà Nội về quản lý, đầu tư các dự án nhà ở, khu đô thị đã không được triển khai hiệu quả, có sự buông lỏng quản lý (Ảnh minh họa)

Theo TTCP, nhiều quyết định của UBND Thành phố Hà Nội về quản lý, đầu tư các dự án nhà ở, khu đô thị đã không được triển khai hiệu quả, có sự buông lỏng quản lý (Ảnh minh họa)

Ngoài ra còn có, gần 206 tỷ đồng do các chủ đầu tư dự án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng… nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích tăng thêm; hơn 12 tỷ đồng do xác định tiền sử dụng đất của dự án không đúng vị trí quy định tại bảng giá đất.

TTCP đã kiến nghị giao Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xem xét, xử lý và thu hồi về ngân sách thành phố số tiền hơn 509 tỷ đồng. Trong đó bao gồm số tiền sử dụng đất hơn 483 tỷ đồng do chủ đầu tư dự án lô CT2 thuộc Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đối với khoản này, Vinaconex2 phải nộp hơn 340 tỷ đồng và Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên phải nộp hơn 142 tỷ đồng.

TTCP cũng yêu cầu thu hồi số tiền hơn 1.053 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của TTCP đối từ những sai phạm như đã nêu ở trên. Đồng thời, yêu cầu UBND thành phố Hà Nội tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ để xảy ra các sai phạm tại kết luận thanh tra này.

Đáng chú ý, TTCP còn yêu cầu dựa vào kết quả kiểm điểm phải có “biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức năng được giao, đối với những hành vi nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm, yêu cầu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định”.

Mạnh Quân

Thanh tra Chính phủ: Hà Nội buông lỏng quản lý nhiều dự án bất động sản - 3