Hàng loạt dự án bất động sản lọt "tầm ngắm" của Kiểm toán Nhà nước

(Dân trí) - Trong hơn 30 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội nằm trong danh sách được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán có nhiều dự án và chủ đầu tư khá có tiếng trên thị trường bất động sản.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Kiểm toán Nhà nước đã ban hành quyết định kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất khu đô thị trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2013 - 2016. Danh sách kiểm toán theo quyết định này gồm các đơn vị được kiểm toán tổng hợp, nhiều dự án được kiểm toán chi tiết và hàng chục dự án giao đất được kiểm tra đối chiếu.

Cụ thể, Dự án Đầu tư Xây dựng Tổ hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp Hải Phát Plaza (phường Đại Mỗ- quận Nam Từ Liêm- Hà Nội); Dự án Khu đô thị Nam đường vành đai 3 (giai đoạn 1) phường Đại Kim - Hoàng Mai của chủ đầu tư Bitexco; Dự án Hải Đăng City (giai đoạn 1) phường Mai Dịch và phường Mỹ Đình 2- Chủ đầu tư Công ty CP Địa ốc Hải Đăng...

Ngoài ra còn có các dự án: Dự án Khu nhà cao tầng CT2- Khu đô thị TP Giao lưu - chủ đầu tư Công ty CP Ngôi sao An Bình; Dự án Thống Nhất Complex 82 Nguyễn Tuân - Chủ đầu tư Công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt; Dự án Xây dựng Khu nhà ở Trúc Khê 58 Trúc Khê - Phường Láng Hạ - Công ty CP Viễn Đông Invest; Dự án Khu nhà ở hỗn hợp Home City tổ 51 phố Trung Kính- Phường Yên Hòa- Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính; Dự án Khu trung tâm đô thị Tây Hồ của Chủ đầu tư công ty TNHH THT...

Nội dung kiểm toán bao gồm việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý tài chính, kế toán và chế độ đầu tư xây dựng của Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất khu đô thị. Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất khu đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2013- 2016 và các thời kỳ trước, sau có liên quan của các đơn vị được kiểm toán tại TP Hà Nội. Thời hạn kiểm toán 60 ngày kể từ ngày công bố quyết định.

Mục tiêu của việc kiểm toán để đánh giá việc tuân thủ, pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và sử dụng đất khu đô thị, đồng thời phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong quản lý và sử dụng đất khu đô thị. Đồng thời, nhằm xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định, kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý và sử dụng đất khu đô thị đảm bảo hiệu quả.

Mới đây, thị trường cũng được một phen "dậy sóng" sau khi Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2017. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch thanh tra đối với dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật Đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước.

Do vậy, Bộ Tài chính trình Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ tham khảo danh sách 60 dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Hồi tháng 3 vừa qua, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố quyết định thanh tra một số vấn đề liên quan đến việc sử dụng đất đai tại UBND thành phố Hà Nội. Sau Hà Nội, trong năm 2017, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành 23 cuộc thanh tra chính thức và 6 cuộc dự phòng về việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TPHCM, Khánh Hòa và Đà Nẵng.

Phương Dung