Thâm hụt 100 tỷ đồng/tháng, đường sắt quốc gia đang khó khăn nhất lịch sử

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) dự kiến năm 2020 lỗ hơn 1.200 tỷ đồng, trung bình công ty mẹ bị thâm hụt dòng tiền gần 100 tỷ đồng/tháng. VNR lâm cảnh khó khăn nhất trong lịch sử hơn 100 năm.

Lỗ nặng chưa từng thấy

Việc bùng phát dịch Covid-19 đợt 2 đã phá vỡ toàn bộ kế hoạch chạy tàu cùng các nỗ lực tăng sản lượng và doanh thu từ vận tải hành khách của VNR.

Kết quả sản xuất, kinh doanh 8 tháng năm 2020, doanh thu của Công ty mẹ  chỉ đạt 1.164,7 tỷ đồng bằng 72,5% so với cùng kỳ và 55,5% kế hoạch năm; doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 4.088,5 tỷ đồng bằng 77,8% so với cùng kỳ và bằng 64,4% kế hoạch năm. Dự kiến cả năm 2020, VNR lỗ trên 1.200 tỷ đồng.

Với dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 bị lỗ trên 1.200 tỷ đồng, dòng tiền bị suy giảm nhanh ngay từ tháng 3/2020. Hiện tại trung bình một tháng công ty mẹ VNR bị hụt dòng tiền xấp xỉ 100 tỷ đồng.

Thâm hụt 100 tỷ đồng/tháng, đường sắt quốc gia đang khó khăn nhất lịch sử - 1
Đường sắt quốc gia đang trong giai đoạn khó khăn nhất lịch sử

Dự tính, tổng thâm hụt dòng tiền của ĐSVN cả năm sẽ vào 2020 khoảng 1.000 tỷ đồng. Cân đối dòng tiền tại các công ty con là Vận tải đường sắt Hà Nội, Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2020 với dự kiến lỗ 410 tỷ đồng của Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và 357 tỷ đồng của Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn thì 2 Công ty này cũng sẽ bị hụt dòng tiền khoảng gần 1.000 tỷ đồng.

Việc mất cân đối dòng tiền của các công ty vận tải đường sắt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền của công ty mẹ VNR do các công ty con này đang sử dụng dịch vụ của công ty mẹ với số tiền dự kiến phải thanh toán cho công ty mẹ trong năm 2020 lên tới hơn 1.600 tỷ đồng.

Thử thách lớn nhất trong lịch sử

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR - cho rằng: Những khó khăn nội tại, tồn tại trong nhiều năm, cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020 làm cho ngành đường sắt đang trải qua giai đoạn thử thách lớn trong lịch sử hơn 100 năm qua.

Để khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, VNR đang đề nghị cơ quan chủ quản là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) báo cáo Thủ tướng, có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các cơ quan có thẩm quyền xem xét các biện pháp hỗ trợ cũng như miễn, giảm thuế, phí đối với các ngành nghề kinh doanh của VNR, giảm áp lực chi phí, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh năm 2020.

Thâm hụt 100 tỷ đồng/tháng, đường sắt quốc gia đang khó khăn nhất lịch sử - 2
VNR dự kiến năm 2020 lỗ hơn 1.200 tỷ đồng

Theo đó, VNR kiến nghị miễn, giảm khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải; miễn trích nộp Ngân sách Nhà nước 20% tiền thu cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư; miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê sử dụng đất cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt; giãn tiến độ trả nợ, giảm lãi suất vay của các ngân hàng cho các dự án đầu tư của các Công ty vận tải đường sắt nhằm giảm áp lực trả nợ gốc và lãi vay trong giai đoạn khó khăn này.

Liên quan đến quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) quốc gia do Nhà nước đầu tư, VNR đang đề nghị Bộ GTVT bổ sung danh mục KCHTĐS giao theo hình thức đầu tư vốn Nhà nước vào Đề án để Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án giao tài sản KCHTĐS do Nhà nước đầu tư cho Tổng công ty trực tiếp quản lý, sử dụng, khai thác, kinh doanh.

Đối với cơ chế giao dự toán nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế dành cho công tác bảo trì tài sản KCHTĐS quốc gia do Nhà nước đầu tư, theo VNR, do đặc thù ngành đường sắt, để ổn định công việc, cuộc sống cho gần 25.000 người lao động, VNR tiếp tục đề nghị được giao dự toán bảo trì tài sản cho Tổng công ty.

Ngoài ra, theo Nghị định số 65/2018/NĐ, tới năm 2021 VNR sẽ phải thanh lý khoảng 60 đầu máy, gần 1.000 toa xe hàng và 500 toa xe khách; phải huy động khoảng 6.822 tỷ đồng để đầu tư mới, bù đắp các phương tiện phải loại bỏ mà không được hưởng các ưu đãi về lãi suất vay. VNR đề nghị Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ GTVT đề xuất Chính phủ lùi thời gian thực hiện.

Thâm hụt 100 tỷ đồng/tháng, đường sắt quốc gia đang khó khăn nhất lịch sử - 3
UBQLVNN làm việc với lãnh đạo VNR mới đây

Tại buổi làm việc với VNR mới đây, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch UBQLVNN - khẳng định: Những khó khăn của VNR xuất phát từ những tồn tại, bất cập trong cơ chế chính sách và quy định của pháp luật, chứ không phải vấn đề VNR trực thuộc UBQLVNN hay Bộ GTVT.

Người đứng đầu Ủy ban này chỉ ra thực tại doanh nghiệp vẫn tư duy quản trị vẫn theo lề lối cũ, chưa thích ứng với đặc điểm của nền kinh tế hiện nay và cho rằng VNR cần cùng với các doanh nghiệp vận tải hàng hải, hàng không, đường bộ cần có sự phối hợp, hợp tác xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực chung, tạo thành hệ thống vận tải đa phương thức, đóng góp quan trọng vào hoạt động thương mại và sản xuất cũng như nền kinh tế quốc dân…

UBQLVNN cũng đã dự thảo văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Tài chính nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho VNR.