1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Tập đoàn xăng dầu lớn nhất nước lỗ “vượt mức tưởng tượng”

(Dân trí) - Dù không bất ngờ với tình trạng thua lỗ do điều kiện vĩ mô bất lợi, song con số lỗ chính thức của Petrolimex trong quý 1 năm nay đã vượt xa ước tính mà tập đoàn này từng báo cáo với cơ quan quản lý.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - mã chứng khoán PLX) vừa công bố báo cáo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020, trong đó phản ánh rõ nét ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và sự suy giảm của giá dầu lên kết quả kinh doanh của tập đoàn này.

Tập đoàn xăng dầu lớn nhất nước lỗ “vượt mức tưởng tượng” - 1

Thu không bù nổi chi, Petrolimex là một trong những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề nhất do giá dầu giảm vì Covid-19

Cụ thể, ngay trong quý đầu tiên của năm, doanh thu thuần của Petrolimex đã giảm 8,3% so với cùng kỳ, đạt 38.478 tỷ đồng.

Trong khi đó, giá vốn hàng bán tuy giảm nhưng mức giảm không đáng kể. Giá vốn hàng bán “ngốn” gần hết doanh thu thuần (tỉ trọng lên tới 99,6%), do đó, phần lợi nhuận gộp chỉ còn rất khiêm tốn, đạt 450 tỷ đồng, bằng khoảng 11,9% cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 1,4 cùng kỳ lên 230 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính đồng thời cũng tăng gấp 1,7 lần lên 352 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay ở mức 201 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 9,1%.

Chi phí bán hàng mặc dù giảm được khoảng 10,5% so với cùng kỳ, tuy vậy vẫn tiêu tốn tới 2.016 tỷ đồng của Petrolimex. Chi phí quản lý doanh nghiệp ngược lại tăng 10,4% lên 149 tỷ đồng.

Thu không đủ bù chi, “ông lớn” ngành xăng dầu Việt Nam lỗ thuần 1.703 tỷ đồng trong quý 1/2020, đảo ngược hoàn toàn so với mức lãi 1.517 tỷ đồng đạt được trong quý 1/2019.

Cộng thêm khoản lợi nhuận khác hơn 1 tỷ đồng (quý 1/2019 lợi nhuận khác gần 52 tỷ đồng), Petrolimex báo lỗ trước thuế 1.702 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 1.568 tỷ đồng); lỗ sau thuế 1.813 tỷ đồng và lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ là 1.893 tỷ đồng.

Trong quý 1/2019, Petrolimex từng gặt khoản lãi 1.294 tỷ đồng trong đó lãi ròng cổ đông công ty mẹ lên tới 1.201 tỷ đồng.

Kết quả thua lỗ của Petrolimex không nằm ngoài dự đoán của giới đầu tư, tuy nhiên, mức thua lỗ nặng nề vượt xa so với ước tính của tập đoàn này khi báo cáo lên Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tại một văn bản trình Thủ tướng nêu thực trạng 19 doanh nghiệp mà cơ quan này quản lý có cho hay: Trong quý 1/2020, doanh thu của Petrolimex ước đạt 28.449 tỷ đồng, giảm 1.706 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019 và ước lỗ 572 tỷ đồng.

Như vậy, con số lỗ thực tế của Petrolimex trong quý 1 còn cao gấp 3 lần so với số dự tính.

Tại báo cáo nói trên, Uỷ ban cũng nêu dự kiến cả năm 2020, Petrolimex lỗ khoảng 1.143 tỷ đồng và theo đó nộp ngân sách nhà nước dự kiến giảm tương ứng khoảng 500 tỷ đồng so với kế hoạch năm, nếu dịch kéo dài đến quý 4.

Theo Ủy ban, nguyên nhân trên là do Petrolimex có hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc và xăng dầu là mặt hàng cần phải có đủ dự trữ tồn kho. Trong khi quý 1/2020, giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn (giảm 60%) đã tác động đến giá vốn tồn kho của Petrolimex.

“Trong trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp, các hãng hàng không trong và ngoài nước sẽ tiếp tục tạm dừng các chuyến bay trong nước, quốc tế, nhu cầu vận tải đường thủy, đường bộ sụt giảm mạnh khiến sản lượng xuất bán xăng dầu thấp. Trong khi xăng dự trữ tồn kho tăng cao sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn nữa đến tình hình sản xuất, kinh doanh của Petrolimex…”, Ủy ban nêu.

Thực tế, theo số liệu tại bảng cân đối kế toán, giá trị hàng tồn kho tại ngày 31/12/2020 của Petrolimex là 6.759 tỷ đồng, giảm 5.013 tỷ đồng so với con số đầu năm.

Báo cáo giải trình của Petrolimex về tình trạng thua lỗ trong quý đầu năm cho hay, ngoài ảnh hưởng do yếu tố giá dầu thế giới thì sản lượng xăng dầu bán ra trên toàn hệ thống Petrolimex thời gian này đã bị sụt tới 10% so với cùng kỳ vì Covid-19. Lợi nhuận của một số công ty con trong lĩnh vực vận tải, gas, hoá dầu… cũng sụt giảm ở các mức độ khác nhau theo ảnh hưởng chung của nền kinh tế khi dịch Covid-19 có xu hướng diễn biến phức tạp vào giai đoạn cuối quý 1.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PLX của Petrolimex vẫn tăng 0,75% lên 40.400 đồng trong phiên hôm qua (5/5), thanh khoản sụt mạnh so với phiên trước.

Với diễn biến trở nên tích cực hơn trong phiên giao dịch chiều, VN-Index đã đạt được trạng thái tăng 1,69 điểm tương ứng 0,22% lên 764,16 điểm. HNX-Index ngược lại giảm 0,31 điểm tương ứng 0,29% còn 105,41 điểm. UPCoM-Index nhích nhẹ 0,07 điểm tương ứng 0,14% lên 51,98 điểm.

Thanh khoản toàn sàn HSX ở mức 212,37 triệu cổ phiếu tương ứng 3.416,01 tỷ đồng. HNX có 26,21 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 246,09 tỷ đồng và UPCoM có 7,52 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 96,79 tỷ đồng.

Toàn thị trường có 349 mã tăng giá, 52 mã tăng trần so với 310 mã giảm và 41 mã giảm sàn.

Mai Chi