1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhiều doanh nghiệp xăng dầu chai lì cảm xúc vì ...lỗ

Lỗ khủng khiếp, lỗ nhiều đến mức chai lì cảm xúc rồi; nói thật giờ không dám nghĩ đến ngày mai thế nào; sống được đến hết năm cũng đã là giỏi,…

Đây là những gì PV được chia sẻ, khi đặt câu hỏi với hàng loạt các doanh nghiệp xăng dầu về việc kinh doanh trong đại dịch COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp xăng dầu chai lì cảm xúc vì ...lỗ - 1

Doanh nghiệp xăng dầu lao đao sau dịch Ảnh: Như Ý

Mất ngủ với các quyết định kinh doanh

Cùng với dịch COVID-19, giá dầu thế giới liên tiếp xuống đáy khiến các doanh nghiệp trong ngành tâm tư. “Bây giờ đơn vị lỗ nhiều quá, lỗ đến mức mình giờ chai lì cảm xúc. Doanh nghiệp xăng dầu nào cũng chịu tác động kép cả”, vị Tổng giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu mở đầu câu chuyện về kinh doanh thời dịch.

Hàng chục năm lăn lộn thương trường, chịu đủ cảnh bầm dập trong kinh doanh nhưng không lần nào ông chứng kiến sự khủng khiếp khó tin như trong hơn 3 tháng qua. Doanh nghiệp xăng dầu cứ nhập hàng về là lỗ. Mua “bắt đáy” lần nào cũng lỗ, hàng đang trên đường về cũng lỗ. Không một phương án kinh doanh nào được trọn vẹn khi cứ hết tuần này qua tuần khác, xăng dầu trong cảnh giảm dần đều.

“Trong tuần đầu tháng 2, sau Tết, giá dầu vẫn còn hơn 65 USD một thùng. Rồi giảm liên tục đến cuối tháng 3 còn khoảng 25 USD/thùng. Các doanh nghiệp xăng dầu theo quy định luôn phải có dự trữ 30 ngày trong khi giá bán lẻ cứ lao liên tục với 7 lần giảm giá tới 10.000 đồng/lít từ đầu năm đến nay khiến lỗ tồn kho ngày càng chồng chất. Vậy kinh doanh cách nào...”, vị tổng giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu nói và cho biết ông nhiều ngày mất ngủ vì diễn biến giá dầu vượt mọi dự đoán của tất cả các tổ chức, các nhà phân tích.

Theo vị tổng giám đốc này, chỉ 2 tuần trước, ai dám nhận định giá dầu sẽ xuống còn 1 USD/thùng và còn xuống âm hơn 30 USD chỉ trong vài tiếng sau đó. Không một ai biết trước dịch tàn phá kinh tế thế nào. Không ai biết từ nay đến cuối năm tình hình kinh doanh xăng dầu sẽ ra sao?

“Nếu được phép, tôi chỉ muốn được đóng cửa, tạm dừng kinh doanh, cho các công nhân nghỉ việc để giảm áp lực chi phí, giảm lỗ đồng nào hay đồng đó. Các biện pháp cần làm đã làm hết rồi. Lương đã giảm toàn bộ từ mấy tháng trước, kể cả lãnh đạo cao nhất. Giờ đến cả lương của nhân viên bán xăng cũng phải giảm rồi”, giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu khu vực miền Trung nói với PV Tiền Phong.

Theo vị này, lệnh hạn chế đi lại khiến một cửa hàng của doanh nghiệp chỉ bán được bình quân vài trăm lít xăng, không đủ chi phí duy trì vận hành cửa hàng. Giám đốc một đại lý xăng dầu ở khu vực Hà Nội thừa nhận, từ đầu năm đến nay doanh số mỗi tháng giảm đều từ 20% - 30%. Mỗi ngày qua đi, nhìn con số suy giảm báo cáo theo ngày của các cửa hàng mà không biết làm sao để xử lý. “Giờ tôi đang tính nếu dịch kéo dài sẽ phải đóng cửa, dừng hoạt động hoặc chuyển nhượng một số cây xăng nếu được”, ông nói.

Dù khẳng định chưa đến mức ‘tan nát’, đổ vỡ như nhiều ngành nghề khác, lãnh đạo các doanh nghiệp xăng dầu cũng không khỏi ngần ngừ, thậm chí đau xót khi nhắc đến những khoản lợi nhuận tích cóp bao năm trời của doanh nghiệp giờ buộc mang ra để “dè sẻn ăn dần”.

Giá rẻ nhưng… không biết thế nào

Về việc có nên bắt đáy, tăng dự trữ khi giá dầu đã xuống quá thấp, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOil cho rằng, rủi ro khó nói trước. Giờ PVOil chỉ duy trì tồn kho hợp lý để nếu giá xuống tiếp thì không bị lỗ quá sâu; nếu giá lên, doanh nghiệp có lợi nhuận.

“Dịch làm thay đổi mọi phương thức hoạt động, điều hành. Trước chúng tôi họp hội đồng kinh doanh 1 tuần một lần. Giờ ngày nào cũng họp, có ngày họp 2 lần. Có thể sáng quyết một kiểu, chiều phải thay đổi theo phương thức khác. Giờ mỗi quyết định mua vào thế nào, số lượng bao nhiêu đều là quyết định cân não”, ông Dương nói.

Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu trong top 3 Việt Nam cho rằng, việc “bắt đáy”- nói cách khác là đầu cơ xăng dầu khi giá xuống - đến giờ không ai dám nói đã đến đáy chưa. Cách đây hơn một tuần, các ý kiến cũng nói nên mua vào. Nhưng với diễn biến dị biệt của thị trường 2 ngày qua, giờ ai mua vào lúc đó đều thiệt hại nặng. Lúc này sợ nhất là bị quy trách nhiệm vì mua vào bị lỗ.

“Mua bắt đáy để giảm lỗ khi giá dầu thế giới xuống những ngày qua, tất cả đều là lý thuyết. Nhưng bắt lúc nào với số lượng bao nhiêu? Chỉ cách đây 1 tuần, giá khác mà giờ lại quá khác. Vậy biết thế nào mà đổ tiền ra lúc này. Không khéo lại bị quy trách nhiệm bất cứ lúc nào”.

Theo Phạm Tuyên

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm