Giá xăng dầu giảm sốc, lạm phát tháng 4 sẽ “âm”?
(Dân trí) - Giá xăng, dầu trong nước trong kỳ tính toán CPI tháng 4 giảm mạnh với mức giảm lên tới gần 5.000 đồng/lít so với tháng 3. Khả năng, chỉ số giá (CPI) tháng 4 sẽ giảm tới 1,8% so với tháng trước.
Tại báo cáo cập nhật vĩ mô vừa công bố, các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, Chính phủ đang thể hiện quyết tâm kiềm chế lạm phát thông qua các biện pháp kiểm soát giá cả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo đó, giá thịt lợn trong nước có đã có xu hướng giảm trong tháng 4 nhờ những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ.
Cụ thể, vào cuối tháng 3, Thủ tướng đã yêu cầu doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá, tăng đàn, tái đàn, đồng thời cho phép tăng nhập khẩu thịt để kéo giá lợn hơi xuống khoảng 70.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, tính trung bình trong tháng 4, mức giảm của giá lợn hơi so với tháng 3 vẫn ở mức tương đối ít (khoảng 1,5%), do cần thời gian để đảm bảo đủ nguồn cung trên thị trường, nên tác động của mặt hàng này đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 là không lớn.
Giá gạo trong nước chỉ tăng nhẹ trong khi giá gạo xuất khẩu trên thị trường quốc tế tăng vọt lên cao nhất trong vòng 7 năm qua, nhờ những cam kết của Chính phủ trong việc đảm bảo an ninh lương thực.
Cụ thể, Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng xuất khẩu gạo từ cuối tháng 3 và hiện đang xem xét cho phép xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo trong tháng 4, giảm tới 40% so với cùng kỳ.
Giá xăng, dầu trong nước trong kỳ tính toán CPI tháng 4 giảm mạnh với mức giảm lên tới gần 5.000 đồng/lít so với tháng 3.
Trên cơ sở đó, KBSV ước tính chỉ số giá mặt hàng xăng, dầu sẽ giảm khoảng 26% so với tháng trước, và do vậy chỉ số nhóm giao thông ước tính giảm 18% trong tháng 4.
Giá điện giảm 10% theo Nghị quyết số 41 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020. Tuy nhiên, do kỳ tính hóa đơn tiền điện có độ trễ, do vậy mức giảm này sẽ chỉ phản ánh vào chỉ số CPI tháng 5.
Tại báo cáo này, KBSV nhận định chỉ số CPI tháng 4 tiếp tục xu hướng giảm mạnh và áp lực từ lạm phát trong thời gian còn lại của năm không quá lớn.
Nhóm phân tích ước tính, CPI tháng 4 giảm tới 1,8% so với tháng trước và chỉ còn tăng 2,66% so với cùng kỳ tháng 4/2019. Lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm dự kiến tăng 4,84% so với cùng kỳ.
Với việc áp lực đến từ lạm phát trong giai đoạn còn lại của 2020 không còn lớn nhờ mức nền cùng kỳ 2019 bắt đầu chịu ảnh hưởng của giá thịt lợn cao, và sức cầu nhìn chung sẽ duy trì ở mức thấp tương đối do ảnh hưởng của bệnh dịch, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để áp dụng các chính sách tiền tệ nới lỏng.
Theo đó, cơ quan điều hành có thể sẽ bơm thanh khoản cho ngân hàng thông qua kênh OMO với kỳ hạn dài (lớn hơn 3 tháng), tiếp tục hạ các lãi suất điều hành, tăng lãi suất tiền gửi dự trữ, giảm tỷ lệ LDR …
Cũng theo KBSV, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì mức tăng trưởng cung tiền (M2) và tín dụng trong biên độ tăng trưởng 10-14% so cùng kỳ (tương đương với khoảng 1 triệu tỷ đồng) xuyên suốt năm, nhằm tránh những hệ lụy về sau như nợ xấu và bong bóng giá tài sản (ví dụ như bất động sản) như giai đoạn 2009 - 2011.
Mức tăng trưởng này được đánh giá là phù hợp và là mục tiêu Ngân hàng Nhà nước duy trì trong 2 năm qua nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng, khi chỉ số tín dụng/GDP của Việt Nam sau khi điều chỉnh GDP vẫn ở mức cao trong khu vực (khoảng 110%).
Mai Chi