1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tái cơ cấu kinh tế: "Tiền không phải là mấu chốt"

(Dân trí) - "Trong điều kiện hiện nay, tôi cho rằng tái cơ cấu không phải là vấn đề tiền, tiền không phải là mấu chốt, tái cơ cấu lần này là phải thay đổi tư duy điều hành, thay đổi cách thức và mô hình tăng trưởng cũ, lạc hậu, trì trệ hiện nay".

Đây là chia sẻ của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) xung quanh vấn đề tái cơ cấu, phân bổ ngân sách và nợ công của nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Cung nhấn mạnh, phân bổ các nguồn lực của Nhà nước cho phát triển hiện đang bất cập và kém hiệu quả. Vấn đề tái cơ cấu đang được đưa ra bàn thảo, trong đó, quan điểm là chúng ta cần 10 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tuy nhiên, vấn đề là tìm vốn ở đâu?

Ông Cung chỉ rõ, thời gian qua chúng ta vẫn quá chú trọng vào con số tăng trưởng thay vì hiệu quả của tăng trưởng. Nhiều năm liền, nếu không đạt được tăng trưởng, chúng ta lại sử dụng các công cụ vĩ mô như tăng chi đầu tư ngân sách, múc than, hút dầu để phấn đấu bằng được tăng trưởng. Càng đổ tiền vào thì càng không hiệu quả và khiến tình hình kinh tế vĩ mô trở nên bất ổn hơn.

Dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên mở rộng là một trong những dự án thua lỗ nghìn tỷ (ảnh minh họa)
Dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên mở rộng là một trong những dự án thua lỗ nghìn tỷ (ảnh minh họa)

Về phân bổ ngân sách, ông Cung cho rằng thời gian tới phải cấp tốc sửa đổi cách phân bổ nguồn lực cho các bộ, ngành và địa phương, không thể để việc ban phát dễ dãi cho các bộ, ngành và địa phương như hiện nay được, khiến cho bội chi ngân sách gia tăng, không thể khắc phục được trong thời gian vừa qua.

"Có một thực tế, ngay cả các Bộ, ngành chứ chưa nói đến địa phương vẫn vẽ dự án để lấy tiền ngân sách, chừng nào xin được, họ vẫn cứ xin. Vấn đề là chúng ta phải cải cách chi tiêu ngân sách, xác định rõ tiền ngân sách sẽ không có với các dự án thiếu hiệu quả, dự án tượng đài, trụ sở... nghìn tỷ đồng thì lúc đó những đòi hỏi này sẽ không còn nữa", TS Cung chia sẻ.

Chính vì tư duy phân phát ngân sách, cơ chế xin cho đầu tư đã và đang xuất hiện những dự án nghìn tỷ thua lỗ, những đống sắt vụn không làm ra tiền mà Nhà nước vẫn phải trả nợ. "Tôi cho rằng, ở đâu có dự án đang lỗ thì bỏ đi, cắt lỗ, chịu đau một lần thì tự nhiên mỗi ngày chúng ta không mất mấy chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm, nghìn tỷ đồng. Đừng đổ thêm tiền vào những chỗ không tạo ra tiền, nên cho phá sản các doanh nghiệp thua lỗ, như vậy Nhà nước ngủ dậy mới không mất tiền", ông Cung phân tích.

Theo Viện trưởng Viện CIEM, hiện dư luận đang lo ngại nợ công, thâm hụt ngân sách tác động lớn đến nền kinh tế trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, đây chưa phải là điều đáng sợ nhất. "Hiện nay, người ta cứ lo lắng nợ công cao, tôi thì nhìn vấn đề ở khía cạnh khác. Đó là lo hơn cách thức tạo ra nợ công, đặc biệt là nợ do đầu tư bằng ngân sách. Nợ công chỉ là hình thức phái sinh của tư duy kinh tế không đo đếm bằng hiệu quả, chỉ coi trọng các con số tăng trưởng", TS Cung nhấn mạnh.

Đầu tư công của chúng ta hiện vẫn theo kiểu ngân sách mỗi năm vẫn chi cho các Bộ, ngành và địa phương. Các địa phương dựa trên nguồn ngân sách đó xây dựng các kế hoạch, lập dự án để tiêu dùng ngân sách... "Như vậy rất không ổn!. Tôi nhấn mạnh, phải yêu cầu các địa phương đánh giá hiệu quả dự án, mới được cấp vốn. Chấm dứt kiểu phân chia, ban phát", ông Cung nói.

Theo ông Cung, nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư công phải đi liền với sắp xếp thứ tự ưu tiên của đồng vốn ngân sách và cần thu hẹp khu vực Nhà nước, chuyển Nhà nước sang điều hành thay vì tham gia quá sâu vào phân bổ nguồn lực, vào thị trường. "Rút vốn từ doanh nghiệp Nhà nước ở những ngành không cần thiết, làm một việc sẽ được 3 - 4 việc. Vừa giúp thị trường minh bạch, vừa thúc đẩy tự do kinh doanh và khu vực tư nhân. Tiền ở đây chứ đâu, tại sao vốn trong nội lực của nền kinh tế có sẵn, rất nhiều nhưng lại để ùn ứ lại phải đi vay chỗ nọ, chỗ kia?", ông Cung chia sẻ.

Nguyễn Tuyền