Huy động trong dân 6 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu kinh tế?
(Dân trí) - Theo tờ trình của Chính phủ, nguồn lực cần thiết để thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 là hơn 10,5 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự kiến ngân sách Nhà nước chỉ “gánh” 1/3, còn lại khoảng 6 triệu tỷ đồng sẽ huy động trong dân - từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo tờ trình của Chính phủ về đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, nguồn lực cần thiết để tái cơ cấu sẽ lên đến hơn 10.567.000 tỷ đồng (hơn 10,5 triệu tỷ) theo giá thực tế.
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội sáng nay (22/10), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để có 10,5 triệu tỷ đồng nói trên, phải cân đối chung nguồn lực của đất nước và nguồn lực của xã hội để tái cơ cấu chứ không thể chỉ dùng ngân sách Nhà nước.
“Chỉ dùng ngân sách thì không thể có hơn 10 triệu tỷ đồng, ngân sách không đủ. Chủ trương chung trong tái cơ cấu cũng là không dựa, không quá phụ thuộc vào ngân sách”, ông Dũng lưu ý. Theo đó, nguồn lực sẽ huy động cả từ nước ngoài và tư nhân trong nước.
Cho biết “chưa xác định chính xác, chi tiết” về tỷ lệ đóng góp của ngân sách Nhà nước vào con số 10,5 triệu tỷ đồng nới trên, nhưng theo ông Dũng, dự kiến cơ cấu có thể ngân sách sẽ gánh 1/3, còn lại 2/3 sẽ huy động từ các nguồn lực xã hội khác.
Giải thích cụ thể hơn, Bộ trưởng Bộ KHĐT cho hay, 1/3 trong số hơn 10,5 triệu tỷ nói trên sẽ được lồng ghép trong chương trình kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. 2 triệu tỷ đầu tư công trong kế hoạch này nằm trong nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế.
Khoảng 6 triệu tỷ đồng còn lại nói nôm na là huy động trong dân. Do vậy, theo ông Nguyễn Chí Dũng, cần phải tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, thông thoáng để người dân sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư một cách an toàn, hiệu quả.
“Điều chủ yếu là phải tạo được niềm tin cho người dân đối với Nhà nước và nền kinh tế để họ yên tâm đầu tư, làm ăn”, ông nói.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ phải tạo được môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch, cạnh tranh so với các nước khác, từ đó mới thu hút được nguồn tiền đổ vào. Đây chính là nỗ lực của Chính phủ trong thời gian gần đây khi tích cực cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường pháp lý an toàn, thân thiện và cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Trao đổi với các đại biểu Quốc hội về đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là một nhiệm vụ khó khăn và cần có quyết tâm chính trị thực sự cao.
“Nếu không đủ quyết tâm sẽ vẫn cách làm cũ, không ăn thua. Ngoài ra, cần bộ máy triển khai công việc này. Có đề xuất là phải thành lập đội đặc nhiệm tái cơ cấu, dám cắt bỏ những gì bất hợp lý”, người đứng đầu Chính phủ cho hay.
Thủ tướng cũng cho rằng, muốn tái cơ cấu nền kinh tế thành công thì cần phải có nguồn lực thực hiện. Đơn cử nợ xấu đang rất lớn, muốn giải quyết thì “phải bỏ tiền bạc ra”, bởi theo quy luật biện chứng thì “vật chất giải quyết vật chất, không chỉ nói miệng là được”.
Bích Diệp