"Sức khỏe" của đại gia ngành cao su trước khi Nhà nước thoái vốn
(Dân trí) - Trong 2 năm trở lại đây, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có lợi nhuận và doanh thu đều giảm. Tập đoàn đang tập trung chuyển đổi đất cao su thành khu công nghiệp, sở hữu diện tích lớn.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG, mã chứng khoán: GVR) là một trong 3 doanh nghiệp thuộc đề án thoái vốn Nhà nước đến hết năm 2025 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ. Ngay sau khi có thông tin này, giá cổ phiếu GVR đã tăng 3 phiên liền (ngày 16/2-19/2-20/2).
Là "ông lớn" trong ngành cao su và khu công nghiệp, VRG có vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sở hữu 96,77%.
Quỹ đất mà VRG sở hữu trên 400.000 ha (theo báo cáo thường niên 2022), đang tập trung chuyển đổi đất cao su thành khu công nghiệp. Tập đoàn đã đầu tư vào hàng chục dự án khu công nghiệp với diện tích hàng nghìn hecta ở các tỉnh phía Nam, như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai...
Định hướng là giai đoạn 2021-2025, VRG phát triển từ 15.000ha đến 20.000ha đất khu công nghiệp.
Giai đoạn 2019-2021, tình hình kinh doanh của VRG tăng trưởng đều đặn. Tuy nhiên 2022-2023, doanh thu và lợi nhuận đều giảm, một trong những nguyên nhân chính là mảng cao su gặp khó khăn.
Năm 2023, tập đoàn đạt doanh thu thuần 22.080 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.370 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 30% so với năm trước. Doanh nghiệp có nợ vay thấp so với vốn chủ sở hữu. Lượng tiền và tiền gửi cuối năm 2023 đạt hơn 16.900 tỷ đồng, góp phần đem lại lợi nhuận tài chính 656 tỷ đồng. Riêng lãi tiền gửi trong quý IV/2023 gần 260 tỷ đồng.