Suất tái định cư: Người dân tự quyết?

(Dân trí) - "Nếu TPHCM chỉ quy định một phương thức tái định cư tại chỗ thì đã hạn chế quyền lựa chọn phương thức tái định cư của các hộ dân trong chung cư, dễ dẫn đến khiếu kiện", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM nói.

Sở Xây dựng TPHCM đang lấy ý kiến về bồi thường hỗ trợ, tạm cư và tái định cư tại các dự án xây dựng lại chung cư cũ. Sở Xây dựng đề xuất trường hợp Nhà nước lựa chọn chủ đầu tư thì thực hiện duy nhất phương thức tái định cư tại chỗ để phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố.

Theo đó, Nhà nước sẽ cưỡng chế phá dỡ đối với nhà chung cư hư hỏng nặng hoặc di dời khẩn cấp đối với chung cư nguy hiểm và tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng lại nhà chung cư.

Cũng theo phương án của Sở Xây dựng TPHCM thì nhà đầu tư được TPHCM lựa chọn chủ đầu tư có trách nhiệm ứng vốn để UBND các quận huyện chi trả tiền tạm cư cho các hộ dân. Chủ đầu tư đầu tư xây dựng và bàn giao quỹ nhà tái định cư cho các quận huyện bố trí tái định cư. Chủ đầu tư không trực tiếp thực hiện việc tái định cư cho người dân. Nhà nước thực hiện chính sách tái định cư tại chỗ với nguyên tắc diện tích căn hộ mới bằng hoặc lớn hơn diện tích căn hộ cũ...

Nhiều nơi, người dân chê chất lượng các căn hộ tái định cư
Nhiều nơi, người dân chê chất lượng các căn hộ tái định cư

Trong văn bản gửi các cơ quan chức năng ngày 8/8, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng đề xuất nêu trên của Sở Xây dựng chỉ mới áp dụng một phương thức tái định cư tại chỗ, nhưng chưa bao gồm phương thức tái định cư tại địa điểm khác, hoặc phương thức người dân yêu cầu được bồi thường bằng tiền mặt để tự lo tái định cư theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu thành phố chỉ quy định một phương thức tái định cư tại chỗ thì đã hạn chế quyền lựa chọn phương thức tái định cư của các hộ dân trong chung cư, dễ dẫn đến khiếu kiện.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, thành phố không thể quy định chỉ "thực hiện duy nhất phương thức tái định cư tại chỗ" theo đề xuất của Sở Xây dựng. Mặc dù đây là phương thức tốt nhất, nhưng cần được vận động giải thích, đi đến sự đồng thuận để khuyến khích chủ sở hữu nhà chung cư lựa chọn vì đây là phương thức có lợi nhất.

"Tôi nghĩ vẫn cần phải bổ sung thêm phương thức tái định cư ở địa điểm khác, hoặc phương thức người dân yêu cầu được bồi thường bằng tiền mặt để tự lo tái định cư theo quy định của pháp luật, đi đôi với việc thực hiện chu đáo, thỏa đáng công tác tạm cư trong thời gian chờ đợi trở về tái định cư", ông Châu nói.

Về đề xuất diện tích căn hộ tái định cư lớn hơn hoặc bằng diện tích căn hộ cũ trong trường hợp nhà nước lựa chọn chủ đầu tư, HoREA kiến nghị thành phố quy định tỉ lệ hoán đổi căn hộ tái định cư tối thiểu là bằng 1,1 lần diện tích căn hộ cũ, đồng thời khuyến khích các chủ đầu tư thực hiện hoán đổi căn hộ tái định cư với tỉ lệ cao hơn 1,1 lần diện tích căn hộ cũ, để các hộ dân dễ chấp thuận và các quận, huyện dễ thực hiện.

Chủ sở hữu chung cư được quyền chuyển nhượng căn hộ mới, căn hộ hình thành trong tương lai hoặc suất tái định cư. Chủ hộ ghép trong chung cư cũng được quyền chuyển nhượng suất tái định cư theo nhu cầu.

Công Quang