Những dự án nhà giá rẻ trước đây của TPHCM bây giờ ra sao?

(Dân trí) - Theo số liệu thống kê, TPHCM hiện đang "khát" nhà ở vừa túi tiền. Tuy nhiên, thực tế, từ trước năm 1975, "Hòn ngọc Viễn Đông" cũng từng có những căn hộ nhỏ 30m2, nhà giá rẻ... cho cán bộ, nhân viên, người lao động.

Có nhưng chưa... đủ

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), từ trước năm 1975, trên địa bàn thành phố đã có nhiều chung cư thấp tầng. Phần lớn chung cư này cao 4 tầng, diện tích các căn hộ chỉ khoảng 28 - 30m2 như chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), chung cư Ngô Gia Tự, chung cư Nguyễn Kim (quận 10), chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh)... Tổng số chung cư cũ, nhà tập thể được xây dựng trước năm 1975 là 473.

Qua thời gian sinh sống, nhiều căn hộ được người dân cơi nới thêm gác lửng bằng vật liệu nhẹ, không đồng nhất và không đảm bảo mỹ quan.

Từ năm 1975 đến nay, TPHCM đã bố trí chỗ ở cho cán bộ, công nhân viên, người lao động tại nhiều chung cư và nhà tập thể cũ, trong đó, có những chung cư, nhà tập thể với các căn phòng ở rất nhỏ, chỉ có diện tích khoảng 10 - 20m2. Có thể "điểm mặt" những căn hộ siêu nhỏ này như chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 5) có 12 tầng với hơn 500 căn hộ...

"Khi đó, thành phố cũng đã phát triển nhiều khu nhà chung cư, nhà lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên để giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, người thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư", ông Lê Hoàng Châu nói.

Bên trong chung cư Cô Giang (Quận 1, TPHCM)
Bên trong chung cư Cô Giang (Quận 1, TPHCM)

Sau năm 2000, các doanh nghiệp đã đầu tư phát triển các dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền. Đến nay đã có những doanh nghiệp tiên phong đầu tư nhà ở xã hội tại các quận ven và huyện ngoại thành.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc công ty Lê Thành, doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đã đầu tư các dự án nhà ở thương mại có diện tích 29m2/căn cho thuê dài hạn 49 năm cho biết, sau năm 2000, công ty ông đã tiên phong xây hơn 4.500 căn hộ vừa túi tiền để cho thuê, hoặc bán cho công nhân, lao động, người thu nhập thấp đô thị.

Không chỉ có Lê Thành, Công ty Thiên Phát cũng đã đầu tư dự án chung cư nhà ở xã hội gồm 2.500 chỗ ở cho công nhân thuê tại KCN Linh Trung 2; Công ty Hoàng Quân đã hoàn thành đưa vào sử dụng khu nhà ở xã hội gồm 1.700 căn tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh...

Về nhà ở tái định cư, Công ty Đức Khải đã thực hiện 3 dự án tại phường Phú Mỹ, quận 7, phường Bình An, quận 2 và tại quận Tân Bình; Công ty C.T có các dự án IHome, Bee Home; Công ty Phát triển nhà Thủ Đức có các dự án TDH Apartments; Công ty Hưng Thịnh có các dự án nhà ở vừa túi tiền 12View, 8X, Melody, Florita, Mia; Công ty Phúc Khang có các dự án Eco City, Làng Sen, Diamond Lotus.

Các công ty Him Lam, Nhà Mơ, Kiến Á, Rio Land, An Gia, Hoàng Anh Gia Lai, Vietcomreal, Hưng Ngân, Tecco, Đất Lành, Tổng Công ty Địa Ốc Sài Gòn... đã đầu tư phát triển nhiều dự án nhà ở vừa túi tiền, dự án căn hộ nhỏ đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư...

Giải pháp nào cho nhà giá rẻ tại TPHCM?

Mặc dù chủ trương phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho công nhân, người có thu nhập thấp đô thị của TPHCM đã thực hiện từ khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa phát huy hết tác dụng. Những "khu ổ chuột" vẫn còn khá nhiều, người lao động phải ở trong các căn nhà tạm bợ, thuê với giá cao... Và hơn hết, nguồn cung căn hộ vừa túi tiền vẫn thiếu.

Mặt khác, cũng nhiều dự án nhà ở xã hội xây dựng xong nhưng người dân "chê" không dọn đến sinh sống vì chất lượng thấp, xa trung tâm. Điển hình như Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (thuộc địa bàn xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) mà Dân trí từng phản ánh.

Chung cư Thanh Đa đã được che rào lại lâu nay nhưng vẫn chưa có động thái tu bổ nào
Chung cư Thanh Đa đã được che rào lại lâu nay nhưng vẫn chưa có động thái tu bổ nào

Khu tái định cư này do Ban quản lý Đầu tư xây dựng Công trình nâng cấp Đô thị TPHCM làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là nơi bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa thuộc các dự án cải tạo bờ kênh Tân Hóa - Lò Gốm, tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Thế nhưng, do "chê" chất lượng chung cư và vị trí quá xa trung tâm, người dân không mặn mà đến đây ở. Hậu quả, hàng trăm căn hộ phải đóng cửa, phủ đầy bụi và là nơi lý tưởng cho những đàn gà thoả mái "dạo chơi" khắp dãy hành lang...

Sốt sắng trước cuộc sống tạm bợ của hàng chục ngàn công nhân, lao động, mới đây, đích thân Bí thư Thành uỷ TPHCM đã "vi hành" tận Bình Dương để học hỏi mô hình nhà giá rẻ 100 triệu đồng/căn mà địa phương này thực hiện khá thành công.

Về khả năng phát triển căn hộ nhà ở xã hội 30m2 có giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn trên địa bàn TPHCM theo mô hình của tỉnh Bình Dương, các nhà hoạch định bất động sản cho rằng vẫn có tính khả thi. Tuy nhiên, muốn thực hiện thành công thì dự án phải ở khu vực có vị trí tương đồng với Bình Dương như đã có sẵn hệ thống hạ tầng giao thông; bên cạnh các khu công nghiệp, nơi làm việc; đã có các tiện ích, dịch vụ cơ bản như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh viện... như KCX Linh Trung I,II,III, công viên phần mềm Quang Trung, Đại học quốc gia TPHCM...

"Hướng chủ đạo của TPHCM là tập trung phát triển loại căn hộ 2 phòng ngủ có diện tích 50 - 77m2 có giá bán vào khoảng 500 - 700 triệu đồng/căn. Do đó, nếu muốn hạ giá thành nhà ở xã hội thì cần đầu tư những dự án lớn, có quy mô từ khoảng 50 ha trở lên, kết hợp với các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, để hình thành khu đô thị mới có đầy đủ tiện ích", ông Lê Hoàng Châu nói.

Công Quang