1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sửa quy định cấm cho vay tại Thông tư 06, ai hưởng lợi?

Thảo Thu

(Dân trí) - Những ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản và xây dựng cao trên tổng dư nợ được cho là sẽ hưởng lợi khi Ngân hàng Nhà nước sửa quy định về tiếp cận vốn vay bất động sản.

Theo Thông tư 10 được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 23/8 nhằm ngưng hiệu lực một số quy định tại Thông tư 06 (thông tư sửa đổi Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước), người dân, doanh nghiệp vẫn được vay ngân hàng trong các trường hợp nhất định, thay vì bị kiểm soát từ 1/9 như dự định trước đó.

Cụ thể, ngân hàng vẫn được phép cho vay với nhu cầu thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa giao dịch trên UPCoM.

Hay ngân hàng cũng được cho người dân và doanh nghiệp có thể vay vốn để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước cũng bỏ quy định không được cho vay để bù đắp tài chính, trừ khi đáp ứng đủ 2 điều kiện là bên vay đã ứng vốn thanh toán và trả các chi phí thực hiện dự án cũng đã được bãi bỏ.

Ngân hàng Nhà nước sửa đổi các quy định này, trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ thúc giục điều chỉnh Thông tư 06, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc sửa quy định về tiếp cận vốn vay bất động sản còn có tác động tích cực đến ngành ngân hàng - đơn vị trực tiếp cận tín dụng.

Sửa quy định cấm cho vay tại Thông tư 06, ai hưởng lợi? - 1

Việc sửa quy định về tiếp cận vốn vay bất động sản còn có tác động tích cực đến các ngân hàng (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc không còn bị kiểm soát vay ngân hàng từ 1/9 sẽ góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng vốn đang ở mức thấp trong thời gian gần đây.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7, tín dụng chỉ tăng 4,56% so với đầu năm, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái và thậm chí giảm 0,17% so với thời điểm cuối tháng 6. Điều này có nghĩa tăng trưởng tín dụng thậm chí đang "đi lùi".

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung, nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng.

Tuy nhiên, hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung. Trong dư nợ kinh doanh bất động sản  thì chủ yếu là dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản (chiếm 65%), còn dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12%.

"Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm", bà Giang nói.

Theo các chuyên gia đến từ Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), thực tế, mỗi ngân hàng sẽ có khẩu vị rủi ro riêng và vẫn có thể sẽ không chủ động giải ngân đối với các dự án và khoản vay mà họ đánh giá là có rủi ro cao.

Trong khi đó, Thông tư mới ban hành được cho là sẽ tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi trong việc giải ngân tín dụng đối với các ngân hàng "ưa thích" cho vay lĩnh vực bất động sản.

Trước đó, Thông tư 06 có nội dung bổ sung phương án sử dụng vốn trong hồ sơ cho vay với các khoản vay mua nhà. Theo giới phân tích, điều này sẽ giúp thiết lập chặt hơn về quy trình, hồ sơ, kế hoạch trả nợ của khách, giúp cho ngân hàng giảm thiểu rủi ro. Tuy vậy, quy định đó lại tác động tới khả năng tăng trưởng tín dụng bất động sản.

Thông tư 06 cũng quy định rõ hơn về cho vay để bù đắp tiền cho các khoản vay trừ khi đã được chi trả bằng chính vốn của khách hàng cho các dự án, nôm na là hạn chế cho vay để đảo nợ. 

Thông tư này cũng đề xuất thêm một số quy định đối với các nhu cầu vốn không được cho vay, trong đó đáng chú ý bao gồm: đảo nợ; để gửi tiền; thanh toán tiền góp vốn, mua chuyển nhượng phần vốn góp tại các công ty cổ phần chưa niêm yết; thanh toán tiền góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư với các dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh...

Điều này có thể giúp loại bỏ được rủi ro nợ xấu, cổ vũ doanh nghiệp lên sàn và công bố thông tin, bên cạnh đó là phản ánh đúng chất lượng tín dụng. 

Với việc bổ sung kiểm soát việc cho vay với một số mục đích cụ thể như đầu tư chứng khoán, mua hoặc kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư với hình thức đối tác công tư, vay phục vụ nhu cầu đời sống có giá trị lớn, qua phương tiện điện tử, Thông tư 06 được cho là hướng dòng vốn đi đúng vào các dự án, mục đích lành mạnh, giá trị cao. Tuy vậy, điều đó lại tác động làm chậm lại tăng trưởng tín dụng. 

Theo giới chuyên gia, những quy định này có thể giúp các ngân hàng giảm rủi ro nhưng tác động tới khả năng tăng trưởng tín dụng cho vay mua nhà nói riêng cũng như tăng trưởng tín dụng toàn ngành nói chung - vốn đã ở mức thấp.

Đến cuối tháng 7, tín dụng chỉ tăng 4,56% so với đầu năm, bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,17% so với thời điểm cuối tháng 6.

Hiệp hội bất động sản TPHCM cũng cho rằng Thông tư 06 đã dựng thêm rào chắn, làm cho khách hàng có nhu cầu vay vốn gồm doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư khó tiếp cận tín dụng hơn so với trước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm