Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là rủi ro lớn nhất với các “ông lớn” Việt?

(Dân trí) - Trong những năm gần đây, sự trỗi dậy của khối doanh nghiệp tư nhân càng thể hiện rõ thông qua mức tăng kép hàng năm lên tới 21,8%. Tuy vậy, trước mắt, mối lo chính của các doanh nghiệp vẫn là sự “bất khả đoán” của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và những hệ lụy có liên quan.

Khối doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ ​(ảnh minh hoạ: VNN)
Khối doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ ​(ảnh minh hoạ: VNN)

Bảng xếp hạng VNR 500 năm 2018 do Vietnam Report vừa công bố tiếp tục cho thấy sự tăng lên về mọi mặt của khối doanh nghiệp tư nhân.

Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam tăng đáng kể theo thời gian, giai đoạn 2014-2017 đạt ở mức cao 21,8%.

Năm ngành đứng đầu đóng góp về doanh thu trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất 2018 là tài chính (tỉ trọng 15,1%); thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (14,3%); xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (13,9%); thép (11,7%) và viễn thông, tin học, công nghệ thông tin (9,2%). Chỉ riêng 5 ngành này đã chiếm đến 64,2% doanh thu, 75,5% lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp tư nhân.

Trong một thống kê gần đây của Tổng cục thống kê cũng cho thấy sự đóng góp đáng kể của khối doanh nghiệp tư nhân vào nền kinh tế.

Trên bình diện toàn bộ nền kinh tế, số liệu tính toán đến cuối năm 2016, xét về doanh thu, các DN khối tư nhân tạo ra được 9,76 triệu tỷ đồng, chiếm 56% doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp năm 2016. Trong khi đó, các DNNN chỉ tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng doanh thu.

Về lợi nhuận, các DN khối tư nhân tạo ra hơn 188 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 26,4% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp còn các DNNN tạo ra hơn 197 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,7% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng VNR500 2018, Vietnam Report cũng tiến hành khảo sát cộng đồng các doanh nghiệp lớn Việt Nam nhằm tổng hợp những đánh giá của doanh nghiệp về tình hình sản xuất kinh doanh giai đoạn hiện tại, những rào cản và thách thức các doanh nghiệp lớn đang phải đối mặt, triển vọng kinh doanh và khả năng tiếp cận công nghệ của doanh nghiệp trong thời đại số.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là rủi ro lớn nhất với các “ông lớn” Việt? - 2

Theo kết quả điều tra, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và những hệ lụy có liên quan đang là rủi ro lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp lớn Việt Nam, với việc 63,3% ý kiến đánh giá cho rằng những sự bất khả đoán từ căng thẳng địa chính trị đã và đang gây những khó khăn lớn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh rủi ro từ môi trường quốc tế, những khó khăn nội tại như thiếu nguồn nhân lực có tay nghề, thủ tục hành chính phức tạp và chính sách hỗ trợ cạnh tranh yếu là những mối bận tâm lớn nhất của doanh nghiệp giai đoạn qua.

Tuy vậy, đánh giá về tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh năm nay, 48,3% doanh nghiệp đánh giá ổn định, 41,4% doanh nghiệp nhận định tốt lên và 10,3% báo cáo kết quả giảm đi theo khảo sát của Vietnam Report tháng 11/2018.

Về những nỗ lực của Chính phủ giai đoạn qua, doanh nghiệp đánh giá có 3 chính sách đạt hiệu quả cao trong việc tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp là tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế (79,3%); đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, đánh giá cán bộ (50%) và cải cách thủ tục hành chính (48,3%).

Mai Chi

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là rủi ro lớn nhất với các “ông lớn” Việt? - 3