Những "quân bài" Trung Quốc sử dụng để "đánh" Hoa Kỳ trong cuộc chiến thương mại

(Dân trí) - Ngay sau khi Mỹ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc vào tuần trước, Trung Quốc cũng tuyên bố tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa của Hoa Kỳ để “ăn miếng trả miếng”. Mặc dù ít hơn, song Trung Quốc khẳng định, họ có những con át chủ bài khác.

Phá giá đồng NDT

Những quân bài Trung Quốc sử dụng để đánh Hoa Kỳ trong cuộc chiến thương mại - 1

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ giữ giá đồng NDT ổn định.

Ông Chen Long, một nhà kinh tế học Trung Quốc tại công ty tư vấn Gavekal Dragonomics, cho rằng, Bắc Kinh sẽ có lợi nhất khi để đồng nhân dân tệ trượt giá.

“Tỷ giá đồng nhân dân tệ là một trong những vũ khí mạnh nhất Bắc Kinh có trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ”, ông Chen đã viết trong một báo cáo mới đây.

Ông Chen lập luận rằng, việc đồng nhân dân tệ yếu hơn sẽ hỗ trợ các nhà xuất khẩu của Trung Quốc. Trong khi các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ bị áp lực hơn bởi phần lãi sẽ vượt xa chi phí vì Trung Quốc là nước xuất khẩu ròng.

Nhưng, quan trọng hơn, việc đồng nhân dân tệ mất giá có thể làm náo loạn thị trường toàn cầu và do đó, gây áp lực buộc ông Trump phải thay đổi chiến lược.

Theo tờ Fortune, trong tất cả các phương pháp Trung Quốc có thể gây áp lực lên Hoa Kỳ, việc cho phép đồng nhân dân tệ mất giá chắc chắn là cách dễ thực hiện nhất. Tất cả những gì Bắc Kinh phải làm là chờ đợi.

“Đánh” doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc

Nếu Trung Quốc thực sự muốn tăng áp lực với Hoa Kỳ, theo bà Hannah Anderson, Chiến lược gia thị trường toàn cầu của Công ty Quản lý quỹ J.P. Morgan, thì việc nhắm mục tiêu vào hoạt động của các doanh nghiệp Hoa Kỳ là một chiến lược hợp lý.

“Ở Hoa Kỳ, các nhóm vận động hành lang và các tổ chức kinh doanh có ảnh hưởng nhất định”, bà Anderson nói.

Cụ thể, Bắc Kinh có thể khiến các công ty Hoa Kỳ hoạt động trong phạm vi Trung Quốc phải chịu các hình phạt hành chính, chẳng hạn như kiểm toán khắt khe, thực thi các quy định chặt chẽ hơn hoặc phê duyệt chậm các giấy phép cần thiết.

Đây chính là lợi thế mà Trung Quốc có được so với Hoa Kỳ khi nói đến các doanh nghiệp Mỹ có trụ sở tại Trung Quốc.

“Hoạt động của các công ty Mỹ ở Trung Quốc là một phần đáng kể trong doanh thu mà Hoa Kỳ có được từ Trung Quốc, nhưng doanh thu của các công ty hoạt động ở Hoa Kỳ không phải là một phần đáng kể trong doanh thu kinh tế của Trung Quốc”, bà Anderson phân tích.

Bán phá giá trái phiếu Hoa Kỳ

Những quân bài Trung Quốc sử dụng để đánh Hoa Kỳ trong cuộc chiến thương mại - 2

Bắc Kinh đang nắm giữ khoảng 1 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, khiến Trung Quốc trở thành chủ nợ nước ngoài lớn của Hoa Kỳ.

Một lá bài khác trong tay Trung Quốc là khoản nợ bằng trái phiếu của Hoa Kỳ.

Cụ thể, Bắc Kinh đang nắm giữ khoảng 1 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, khiến Trung Quốc trở thành chủ nợ nước ngoài lớn của Hoa Kỳ.

Mới đây, tổng biên tập của tờ báo nhà nước của Trung Quốc, tờ Global Times, ông Hu Xijin, đã viết trên tweet rằng nhiều chuyên gia Trung Quốc đang thảo luận về khả năng bán phá giá trái phiếu Mỹ như một động thái chiến lược trong cuộc chiến thương mại đang leo thang này.

Việc bán phá giá trái phiếu Hoa Kỳ có thể đẩy lãi suất của Hoa Kỳ lên cao và phá vỡ nền kinh tế. Nhưng nhiều nhà phân tích đã bác bỏ mối đe dọa của hành động này.

Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, ông Max Baucus đã gọi động thái này là “cực kỳ gây rối” trong khi ông Scott Kennedy, Chủ tịch tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đã viết dòng tweet rằng: “Nếu làm vậy, Trung Quốc sẽ tự giết mình”. Rốt cuộc, việc bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ có thể làm suy yếu đồng USD, khiến các công ty đa quốc gia của Mỹ cạnh tranh hơn.

Tẩy chay Hoa Kỳ

Và Bắc Kinh cũng tẩy chay của Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng đã dùng cách này để trả thù kinh tế đối với các quốc gia khác trước đây.

Năm 2017, Bắc Kinh đã cấm các công ty lữ hành bán tour du lịch theo nhóm cho người Hàn Quốc sau khi Seoul lắp đặt hệ thống chống tên lửa do Mỹ điều hành, mà Bắc Kinh tuyên bố rằng hệ thống này đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc. Không những vậy, khách du lịch Trung Quốc đến thăm Hàn Quốc cũng đã giảm 48% và ngành du lịch Hàn Quốc đã mất khoảng 4,5 tỷ USD doanh thu vào năm ngoái.

Bắc Kinh cũng đã cấm các tour du lịch trọn gói của Hoa Kỳ. Theo Ctrip International, công ty du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, Hoa Kỳ là điểm đến phổ biến thứ 9 đối với khách du lịch Trung Quốc trong kỳ nghỉ Quốc tế Lao động năm nay, giảm so với vị trí thứ 5 vào năm ngoái.

Jane Sun, Giám đốc điều hành của Jane Ctrip Jane Sun cho biết, Hoa Kỳ thực sự cần phải rất cẩn thận nếu muốn thu hút khách du lịch giàu có.

Các chính sách tẩy chay thường bị thu hút bởi tinh thần dân tộc và kể từ khi đợt áp thuế quan mới của Mỹ có hiệu lực, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tăng cường hùng biện dân tộc.

Diễn biến tiếp theo là gì?

Sau khi cuộc đàm phán gần đây nhất kết thúc mà không đưa ra được giải pháp, cả hai bên nói rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, mối quan hệ 2 nước đã trở nên chua chát kể từ đó.

Tuần này, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, ông Steven Mnuchin nói với Quốc hội rằng các cuộc đàm phán sẽ sớm tiếp tục tại Bắc Kinh, nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc không biết về bất kỳ kế hoạch nào như vậy.

Trong khi đó, Chính quyền Trump mới đây đã tăng áp lực với Huawei khi bổ sung công ty này vào danh sách các công ty bị cấm không được giao dịch tự do với các công ty Mỹ. Đáp lại, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã hủy bỏ một đơn đặt hàng thịt lợn lớn của Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào cuối tháng 6 tới đây, nhưng khả năng hai nhà lãnh đạo có thể đưa ra một thỏa thuận là khá thấp.

Hồng Vân (Tổng hợp)