Tăng trưởng kinh tế: Trông chờ ở "đàn sếu lớn" trong khối doanh nghiệp tư nhân

(Dân trí) - SSI cho rằng, tốc độ đầu tư nhanh và hiệu quả sản xuất cao, khối tư nhân với sự dẫn dắt của “đàn sếu lớn” hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi nhanh chóng cho nền sản xuất cũng như dịch vụ của Việt Nam, tạo nền tảng cho tăng trưởng cao và bền vững trong các năm tiếp theo

Cùng với sự hồi phục của đầu tư công, tăng trưởng duy trì ở mức cao của đầu tư tư nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Cùng với sự hồi phục của đầu tư công, tăng trưởng duy trì ở mức cao của đầu tư tư nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Báo cáo vĩ mô tháng 9 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, tăng trưởng quý III cải thiện bởi một nhân tố ít ngờ đến là ngành xây dựng trong khi đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là bệ đỡ cho nền kinh tế.

Theo báo cáo của SSI, tăng trưởng kinh tế GDP quý III tăng 6,88% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 6,73% của quý II và làm đảo chiều xu hướng giảm dần đều trong 3 quý liền trước. Đóng góp cho sự đảo chiều này là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng

Trong công nghiệp và xây dựng, đáng chú ý nhất là sự cải thiện của ngành xây dựng với mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm là 9,2%. Trong khi đó công nghiệp chế biến chế tạo, ngành có tỷ trọng giá trị lớn nhất trong GDP đi ngang với tăng trưởng 12,1% còn khai khoáng giảm 3.3%.

Mặc dù đóng góp của ngành xây dựng là đáng ghi nhận, ngành công nghiệp chế biến chế tạo mới thực sự là bệ đỡ để có được sự cải thiện trong quý III. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP (18,8%) và thường có mức tăng trưởng cao trên 10% nên đã luôn là động lực thúc đầy tăng trưởng chung.

Theo báo cáo của SSI, tựu chung lại từ số liệu vĩ mô 9 tháng, đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan hơn cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 mà điểm nhấn chính nằm trong ngành công nghiệp. Nhiều ngành công nghiệp như thép, ô tô, dệt may, dược và tinh chế dầu mỏ đang có tăng trưởng cao giúp bù đắp cho sự giảm tốc của công nghiệp điện tử.

Giá cả hàng hóa tăng cũng như nền thấp của cùng kỳ đã thu hẹp đà giảm của ngành khai khoáng, giúp khai khoáng không còn là gánh nặng lớn như các năm trước.

Tuy vậy, đi cùng những kết quả này là những rủi ro không thể bỏ qua.

Đầu tiên, ngành nông nghiệp không còn giữ được phong độ cao như 2 quý đầu năm. Ngành nông nghiệp có giá trị lớn thứ 2 trong cơ cấu GDP nên đã luôn là “sức ỳ” với tăng trưởng nói chung. Mặc dù đã có một số thay đổi về chính sách nhằm hướng đến một nên nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn nhưng rõ ràng kết quả đạt được vẫn còn rất nhỏ.

"Điều này đặt ra vấn đề phải tiếp tục có sự thay đổi nhanh hơn nữa trong sản xuất nông nghiệp để kéo tăng trưởng ngành lên đến 4%-5%, giảm sức ỳ cho nền kinh tế", SSI nhận định.

Bên cạnh đó, ngành du lịch đang đối mặt với thách thức từ sự giảm tốc nhanh của khách du lịch quốc tế. Sâu xa hơn, đó là tác động của chiến tranh thương mại đến nhu cầu của thị trường Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai về hàng hóa và lớn nhất về du lịch của Việt nam. Đây sẽ là rủi ro cho không chỉ năm 2018 mà còn cả cho các năm tiếp theo.

Theo SSI, tăng trưởng của ngành xây dựng, dù vẫn còn sớm để thực sự tự tin vào các con số, vẫn đưa ra một chỉ báo quan trọng. Đó là việc tháo gỡ các nút thắt trong giải ngân đầu tư công đang có tiến triển. Như đã chỉ ra trong báo cáo tháng 8, giải ngân đầu tư công có ý nghĩa quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế trong giai đoạn trước mắt, khi đầu tư tư nhân khó có thể tăng tốc nhanh hơn và chính sách tiền tệ không nên nới lỏng.

Cùng với sự hồi phục của đầu tư công, tăng trưởng duy trì ở mức cao của đầu tư tư nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là cơ sở cho sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào FDI và tăng dần tỷ trọng của khối tư nhân trong nước.

"Tốc độ đầu tư nhanh và hiệu quả sản xuất cao, khối tư nhân với sự dẫn dắt của “đàn sếu lớn” hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi nhanh chóng cho nền sản xuất cũng như dịch vụ của Việt nam, tạo nền tảng cho tăng trưởng cao và bền vững trong các năm tiếp theo", báo cáo nêu.

Phương Dung

Tăng trưởng kinh tế: Trông chờ ở "đàn sếu lớn" trong khối doanh nghiệp tư nhân - 2