Sự kiện đáng chú ý trong tuần:

Sự thẳng thắn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ông Vũ Đình Duy bị “tạm đình chỉ công tác”

(Dân trí) - Lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã không ngại đi thẳng vào những vấn đề "nóng" như việc xử lý 5 siêu dự án thua lỗ, có lợi ích nhóm tại dự án thép Cà Ná hay không... Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ đối với ông Vũ Đình Duy sau 1 tháng ông này "ra nước ngoài chữa bệnh".

Tuần qua cũng chứng kiến những biến động mạnh mẽ trên thị trường ngoại hối với giá vàng sụt giảm, tỷ giá "leo thang", ngôi vị giàu nhất thị trường chứng khoán "đổi chủ"...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn

Sáng 15/11, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về 5 siêu dự án 30.000 tỷ đồng thua lỗ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, các dự án này có những tồn đọng và thậm chí là có những vi phạm trong quản trị, quản lý, năng lực của chủ đầu tư hạn chế.

Ông cho biết, việc xử lý trách nhiệm và bài học kinh nghiệm để không tái diễn cần làm cẩn trọng và làm theo đúng quy định pháp lý. Từng giai đoạn khác có những quy định pháp lý, có những thay đổi và điều chỉnh, phải xem xét trách nhiệm trong từng giai đoạn của các tổ chức và cá nhân; phải làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan, có cố tình hay vô tình.

“Chúng tôi cho rằng không loại trừ có sự cố tình làm sai”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. Các dự án khác nhau và có đặc thù khác nhau, nên một số dự án có kết luận của thanh tra Chính phủ, có dự án mới chỉ có kết luận kiểm toán, thanh tra Bộ Tài chính, thanh tra Bộ Công Thương… và sẽ có báo cáo Quốc hội. Nhưng nếu có trách nhiệm, có cố tình làm sai thì thậm chí có thể sẽ xem xét xử lý hình sự.

Bên cạnh làm rõ trách nhiệm thì các dự án này sẽ được bán, khoán, cho thuê…, thậm chí có thể tuyên bố phá sản.

Tại phiên chất vấn này, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đã đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh “trả lời thẳng, trả lời thật” với cử tri cả nước rằng: “Có hay không việc xuất hiện lợi ích nhóm trong việc bổ sung dự án vào quy hoạch?” và “có hay không việc Bộ đang chạy theo doanh nghiệp để làm dự án? Đầu tư theo quy hoạch hay quy hoạch theo đầu tư?”.

Đáp lại mối băn khoăn và sự chất vấn đầy quyết liệt của ĐBQH tỉnh Phú Yên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đưa ra câu trả lời rất thắng thắn: “Tôi khẳng định trước Quốc hội là không có lợi ích nhóm”.

Trong khi đó, theo thông tin về quy hoạch ngành thép Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay cả thế giới đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thép, thì Việt Nam lại đối mặt với nguy cơ thiếu hụt 15 triệu tấn thép vào năm 2020.

Ông Vũ Đình Duy (giữa) trong lễ Ký hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hiểm rủi ro trong xây dựng, lắp đặt cho Dự án Nhà máy Polyester Đình Vũ
Ông Vũ Đình Duy (giữa) trong lễ Ký hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hiểm rủi ro trong xây dựng, lắp đặt cho Dự án Nhà máy Polyester Đình Vũ

Tạm đình chỉ công tác ông Vũ Đình Duy sau gần 1 tháng "ra nước ngoài chữa bệnh"

Theo đề nghị của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, trong thời gian Hội đồng kỷ luật làm rõ vi phạm của ông Vũ Đình Duy để tư vấn áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp, ngày 15/11/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4518/QĐ-BCT tạm đình chỉ công tác đối với ông Vũ Đình Duy.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, ông Vũ Đình Duy đã xuất cảnh từ ngày 22/10/2016 và chưa nhập cảnh trở lại.

Liên quan đến dự án PVTex, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 368/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về Kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học (ethanol) và dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ (PVTex)

Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ khi công bố chính thức Kết luận thanh tra và tiến hành xử lý sau thanh tra: Phân tích, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến hậu quả thiệt hại và thua lỗ của từng dự án; xác định rõ phạm vi trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong từng dự án và theo từng giai đoạn, từ giai đoạn đầu tư xây dựng nhà máy đến giai đoạn đưa nhà máy vào hoạt động.

Sáng 14/11, phát biểu đánh giá tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng giao Tổ công tác làm rõ 8 vấn đề, giải trình báo cáo lại Thủ tướng.

Trong đó, người phát ngôn của Chính phủ nêu: “Vừa qua, các cơ quan cũng đã kiểm tra công tác tiếp nhận, sử dụng, đề bạt, điều động, luân chuyển cán bộ ở Bộ Công Thương. Công tác cán bộ có vấn đề, Bộ cần nghiêm túc xem xét, rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước. Bộ trưởng mới cũng rất cầu thị, cần làm tốt hơn công tác này”.

Cũng trong tuần, theo Nghị định 149 mới ban hành của Chính phủ, Bộ Công Thương đã được giao tiếp nhận, rà soát biểu mẫu đăng ký giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, mặc dù trước đó Bộ Công Thương từng gửi văn bản "từ chối" trước đề xuất cơ quan này sẽ quản lý giá mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được Bộ Tài chính đưa ra.

Tỷ giá đang nóng trở lại
Tỷ giá đang "nóng" trở lại

TPP và sức nóng tỷ giá

Không tham gia TPP hay có tham gia thì nền kinh tế chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế”, Thủ tướng khẳng định trước Quốc hội tại phiên đăng đàn trả lời chất vấn trong tuần qua. Đồng thời Thủ tướng cũng đưa ra khẳng định, trong tiến trình hội nhập phải đảm bảo độc lập, tự chủ về kinh tế - mà trước hết là không phụ thuộc thị trường, không phụ thuộc đối tác.

Trong khi đó, sau sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ, những tác động đầu tiên tới nền kinh tế đã dần thể hiện rõ nét. Phiên giao dịch sáng nay 14/11, giá vàng SJC tiếp tục giảm mạnh do ảnh hưởng bởi sự điều chỉnh của giá vàng thế giới. Ngược lại, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại tăng 10 VND.

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm của VND với USD, áp dụng cho ngày 14/11 là 1 USD=22.067 VND, tăng 11 VND so với cuối tuần trước. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp tỷ giá trung tâm tăng. Giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng từ 5 VND - 10 VND.

Đến chiều ngày 16/11, giá USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại đã tăng vọt lên mức 22.400 VND.

Trên thị trường chứng khoán, với việc cổ phiếu ROS tăng giá 822,22% sau 2,5 tháng niêm yết, tài sản tính theo giá trị cổ phiếu nắm giữ trên sàn chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết đã đạt mức 33.248 tỷ đồng thời điểm đóng cửa phiên 14/11, chính thức trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy vậy, xếp hạng Forbes vẫn chỉ ghi nhận ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú đô la duy nhất của Việt Nam.

Tổng cục Hải quan công bố đường dây nóng chống tiêu cực

Một sự kiện đáng chú ý trong tuần là Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã thiết lập đường dây nóng (hotline) 19009299 nhằm nhiều mục đích như: tố giác buôn lậu, gian lận thương mại, tháo gỡ vướng mắc và trợ giúp trong thủ tục hải quan, đặc biệt người dân, doanh nghiệp có quyền tố giác cán bộ hải quan có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực qua đường dây nóng này.

Thời gian duy trì đường dây nóng này bắt đầu từ ngày 14/11/2016 với chế độ hoạt động 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Nội dung cuộc gọi qua số điện thoại đường dây nóng được ghi âm, lưu trữ và xử lý theo chế độ "MẬT" và "KHẨN" như trong các thủ tục văn bản hành chính. Chỉ công chức được giao quản lý, sử dụng đường dây nóng được sử dụng để tiếp nhận và xử lý tin báo, nghiêm cấm sử dụng đường dây nóng vào mục đích cá nhân.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa giao Bộ Công an khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Cảnh báo rủi ro khi vay vốn giá rẻ Trung Quốc

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, có thể chấp nhận vay đồng Nhân dân tệ làm đường cao tốc Bắc Nam để tránh rủi ro về tỷ giá". Tuy nhiên, nguồn vốn vay từ Trung Quốc có thực sự mang lại lợi ích?

TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc - VEPR (VCES); TS. Trần Toàn Thắng - Phó ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - CIEM đã đưa ra một loạt những cảnh báo rủi ro khi vay vốn giá rẻ Trung Quốc.

Có bốn nhóm lý do chính được Chính phủ các nước đưa ra bao gồm: Mối lo ngại đầu tiên là các vấn đề môi trường; Mối lo ngại về các vấn đề xã hội; Các công ty Trung Quốc thiếu công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu; Sự trỗi dậy của Trung Quốc về quân sự và những căng thẳng về chủ quyền các nước láng giềng khiến chính phủ các nước nghi ngại các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ được dùng làm vũ khí chính trị.

Bích Diệp