Từ vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy “mất tích”: Cần phải sửa luật!

(Dân trí) - “Sao ở dân sự kỷ luật lâu thế? Tôi cũng đã từng rất nóng ruột phát biểu rằng có những vi phạm rõ ràng mà cả năm không xử lý được?”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu nói với Dân Trí. Ông cho rằng, vụ “mất tích” của Trịnh Xuân Thanh hay Vũ Đình Duy xuất phát tự sự lỏng lẻo trong quản lý công chức và do quy định tại Luật tố tụng hình sự không cho phép cấm xuất cảnh khi chưa có lệnh khởi tố.

Trả lời phỏng vấn Dân Trí bên hành lang Quốc hội chiều ngày 8/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, trong vụ “mất tích” của ông Vũ Đình Duy, Thành viên Hội đồng Thành viên (HĐTV) Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xuất phát từ hai phía, một là ý thức chấp hành kỷ luật không nghiêm của ông Duy và hai là do quy định lỏng lẻo về quản lý công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, ông Cầu cũng cho biết, cái khó trong trường hợp Trịnh Xuân Thanh hay Vũ Đình Duy đó là theo luật hiện hành, khi chưa có quyết định khởi tố thì các cá nhân đều có quyền tự do đi lại và không bị cấm xuất cảnh.

Vị đại tá công an cũng cho rằng, muốn không tái diễn những trường hợp như trên thì cần sửa luật và bổ sung quy định đối với những cá nhân có “dấu hiệu nghi vấn” vi phạm pháp luật thì phải đưa ngay vào diện hạn chế xuất cảnh, hạn chế đi lại.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An (ảnh: Phương Thảo)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An (ảnh: Phương Thảo)

Thưa ông, từ vụ Trịnh Xuân Thanh rồi gần đây là ông Vũ Đình Duy 3 lần có đơn xin đi nước ngoài chữa bệnh và sau đó là “mất tích”, ông đánh giá như thế nào về việc có một số vị lãnh đạo bây giờ sau khi có kết luận thanh tra, kiểm toán, thấy có “mùi” nguy cơ là lại cáo bệnh rồi xuất cảnh?

- Con người có đặc điểm rất “hay” là khi thấy nguy cơ thì người ta trốn tránh cho an toàn. Đây là quy luật sinh tồn, ai cũng thế thôi.

Tuy nhiên, đối với trường hợp của cán bộ công chức Nhà nước ở Bộ Công Thương vừa rồi, như ông Vũ Đình Duy, tôi cho rằng cần nhìn vấn đề từ hai góc độ:

Thứ nhất, ông Duy với tư cách là một viên chức của một cơ quan có tổ chức thì dứt khoát đi đâu phải được sự chấp thuận của tổ chức. Còn nếu tổ chức không chấp thuận mà vẫn đi thì đó là vô kỷ luật, không thể chấp nhận được.

Tôi cũng cho rằng, lý do đi nước ngoài chữa bệnh hay làm gì thì cũng là quyền tự do đi lại của công dân. Nhưng trong trường hợp này, có thể lý do đi chữa bệnh chỉ là cái cớ mà thôi. Chứ nếu thực sự chữa bệnh thì trong nước cũng có thể chữa rất tốt.

Còn trên góc độ của người làm điều tra thì tôi thấy thế này: Vấn đề bây giờ là ở chỗ, Luật tố tụng hình sự quy định, khi kiểm tra có dấu hiệu vi phạm cần phân biệt làm hai loại. Nếu vi phạm về hành chính, công chức thì xử lý theo hành chính, công chức. Nếu có dấu hiệu của tội phạm thì mới chuyển cho cơ quan điều tra, kiến nghị khởi tố và để khởi tố được ít nhất phải mất 20 ngày và nếu chậm phải 2 tháng, bây giờ luật mới còn cho phép gia hạn thời gian nói trên.

Cho nên khi muốn cấm xuất cảnh, hay cấm một người nào đó đi khỏi một vị trí nào đó thì phải có quyết định khởi tố vụ án của cơ quan có thẩm quyền. Còn khi cơ quan điều tra chưa có ý kiến gì thì việc đi lại vẫn là quyền tự do của công dân theo luật cư trú.

Nếu luật đã quy định như vậy thì cần làm gì để hạn chế xảy ra những trường hợp “mất tích” tương tự?

- Thực ra để khắc phục thì rất dễ, không có gì khó. Vướng mắc về mặt pháp luật thì phải tháo gỡ về mặt pháp luật. Luật là do Quốc hội làm ra, bây giờ thấy luật sơ hở như vậy thì phải sửa đổi cho phù hợp.

Tôi lấy ví dụ, ngày xưa chúng tôi làm, trước lúc Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 sắp tới có hiệu lực, với những đối tượng mà khi cơ quan điều tra vào tiến hành kiểm tra xác minh tin báo tố giác tội phạm mà có dấu hiệu rõ ràng là chúng tôi ra lệnh cấm xuất cảnh. Nhưng bây giờ thì không được, bây giờ phải có quyết định khởi tố vụ án, thậm chí trong thảo luận còn có ý kiến là phải có khởi tố bị can rồi mới được cấm xuất cảnh, mà theo tôi làm vậy thì quá muộn.

Hay như luật cũ có chi tiết rất hay là “bỏ trốn để chiếm đoạt”, nhưng khi thảo luận có người nói không đưa vào vì liên quan đến luật cư trú của công dân. Nhưng tôi với 36 năm làm điều tra thì đến 90% các vụ việc có hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản đều bỏ trốn. Tất nhiên bỏ trốn ở đây không đồng nghĩa với hành vi “lánh nợ” hay “tạm vắng”.

Như vậy, một là phải sửa lại luật công chức, hai là với những người có dấu hiệu nghi vấn như vậy thì dứt khoát phải đưa vào diện hạn chế đi lại. Phải siết lại pháp luật, vì dù thế nào công chức cũng chỉ được làm những thứ trong phạm vi pháp luật cho phép mà thôi.

Cả ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đình Duy đều xin đi chữa bệnh nước ngoài rồi mất tích
Cả ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đình Duy đều xin đi chữa bệnh nước ngoài rồi "mất tích"

Là người hoạt động trong lực lượng vũ trang, ông có đánh giá như thế nào về việc quản lý công chức, viên chức của một số cơ quan nhà nước hiện nay?

-Công an, quân đội có kỷ luật rất nghiêm minh, chúng tôi gọi là kỷ luật sắt. Kỷ luật là sức mạnh của lực lượng vũ trang. Chúng tôi hàng vạn cán bộ chiến sĩ, nếu không có kỷ luật nghiêm thì không thể quản lý được quân cán.

Lực lượng công an không quá khắt khe trong vấn đề xuất cảnh đi nước ngoài, nhưng có thẩm quyền quy định rất chặt chẽ. Ví dụ, tôi là giám đốc công an tỉnh thì muốn đi nước ngoài công tác phải báo cáo xin phép ở 3 nơi: UBND tỉnh, Tỉnh ủy và cuối cùng là Bộ trưởng cho phép tôi mới được đi. Chứ không phải như các ngành khác xin không cho cũng đi - công an, quân đội không có, ngay tức khắc sẽ bị kỷ luật, thậm chí cách chức ngay tức khắc.

Tôi mới nói rằng, sao ở dân sự kỷ luật lâu thế? Tôi cũng đã từng rất nóng ruột phát biểu rằng có những vi phạm rõ ràng mà cả năm không xử lý được? Trong ngành, chúng tôi làm rất nhanh, rất rõ ràng và tâm phục khẩu phục.

Như vậy, rõ ràng công tác quản lý cán bộ ở những cơ quan, đơn vị Nhà nước đang có vấn đề, theo ông, có nên siết chặt hơn công tác quản lý trong luật công chức?

- Chắc chắn phải siết chặt hơn. Cho đến thời điểm hiện nay, tôi nhận thấy có thể là lãnh đạo, các thành viên Chính phủ rất năng động, quyết liệt nhưng bộ máy vẫn ì à ì ạch, rất chậm. Mà một trong những nguyên nhân chính là kỷ luật không nghiêm.

Nên tôi có 3 đề xuất là tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức căn bản để mọi công chức khi thi hành công vụ là phục vụ nhân dân chứ không phải nhân dân đến xin – cho, anh ăn lương đó là tiền thuế của dân rồi.

Thứ hai, dứt khoát phải có một quy định xử lý kỷ luật thật thông thoáng, nghiêm minh, sai rõ ràng là phải xử lý ngay chứ không thể để kéo dài. Thứ ba, tôi ủng hộ quan điểm phải mạnh tay, thậm chí phải đuổi việc một số cán bộ vi phạm nhiều lần, công việc kém mà vẫn ngồi ăn lương Nhà nước, hưởng lợi hưởng lộc. Những loại cán bộ này là những con sâu phải bị tiêu diệt tận gốc. Đây là vấn đề cấp bách hiện nay.

Về những lùm xùm quanh bổ nhiệm cán bộ yếu kém điều hành doanh nghiệp để xảy ra thất thoát, thua lỗ, ông có quan điểm như thế nào?

- Tôi đã phát biểu rất rõ ràng trước Quốc hội, trước hết với 5 dự án tổng vốn 30.000 tỷ đồng được Chính phủ báo cáo, thua lỗ sơ bộ 7.300 tỷ đồng, riêng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 vốn đội lên hơn 4.300 tỷ đồng. Tôi đề xuất cả 5 dự án này đều phải làm rõ được trách nhiệm ai để thất thoát, và phải báo cáo Quốc hội. Con số thất thoát cụ thể bao nhiêu phải làm rõ, khi có tài liệu chứng cứ rõ ràng thì đưa ra kết luật công khai.

Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp (thực hiện)