Vay vốn từ Trung Quốc lợi, hại gì?

(Dân trí) - Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, có thể chấp nhận vay đồng Nhân dân tệ làm đường cao tốc Bắc Nam để tránh rủi ro về tỷ giá". Tuy nhiên, nguồn vốn vay từ Trung Quốc có thực sự mang lại lợi ích?

Dưới đây, Dân Trí xin giới thiệu các độc giả bài viết của hai chuyên gia kinh tế: TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc - VEPR (VCES); TS. Trần Toàn Thắng - Phó ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - CIEM. Các chuyên gia sẽ mang lại cái nhìn tổng quan và đầy đủ về thiệt - hơn của nguồn vốn vay này.

Trung Quốc đã trở thành nước cung cấp tài chính phát triển lớn nhất thế giới. Chỉ vài năm qua, tất cả các định chế tài chính đầu tư phát triển của Trung Quốc đã cung cấp tới 116,4 tỷ USD ra phạm vi toàn cầu.

Tại châu Phi, vốn đầu tư của Trung Quốc chiếm 80% tổng mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng (CSHT) của châu lục này. Điều đáng nói là cùng sự xuất hiện của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB – vốn điều lệ 100 tỷ USD); Quỹ Con đường tơ lụa (SF, vốn ban đầu 40 tỷ USD), và Quỹ Con đường tơ lụa xanh (vốn ban đầu 4,8 tỷ USD), quy mô các khoản đầu tư này hứa hẹn sẽ có bước nhảy vọt.

Các lập luận về tính hiệu quả của AIIB thường xoay quanh một số điểm chính (i) khả năng tiếp cận dễ dàng hơn so với các định chế hiện có, tức là điều kiện vay vốn đơn giản hơn; (ii) vay vốn của AIIB không nhất thiết đi liền với việc phải chấp nhận các doanh nghiệp của Trung Quốc; (iii) chất lượng của công trình sẽ gia tăng cùng với sự tham gia của các quốc gia phương Tây.

Đối với các quốc gia đang phát triển được đưa vào danh sách nước có thu nhập trung bình, các khoản viện trợ phát triển sẽ giảm sút, và đây là cơ hội để cho luồng vốn “rẻ” với điều kiện vay dễ dãi của Trung Quốc chiếm thị phần bị bỏ lại. Tuy nhiên, cần tiếp cận khoản vay này toàn diện từ cả góc độ hiệu quả kinh tế, mức độ ổn định chính trị, vấn đề môi trường và sinh kế lâu dài của người dân.


TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc - VEPR (VCES)

TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc - VEPR (VCES)

Điều kiện cho vay

Sự hấp dẫn đầu tiên của vốn Trung Quốc là quy mô và các điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn nhiều so với các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Trong năm năm gần đây, tổng số vốn của cả WB và ADB mới chỉ khoảng 90 tỷ USD đáp ứng 2,5% nhu cầu đầu tư CSHT hàng năm của châu Á.

Điều lệ của AIIB quy định chức năng chính của định chế này là tập trung và ưu tiên “thúc đẩy các hoạt động đầu tư CSHT và liên kết kinh tế vùng”. Nhưng khác với WB hay ADB, các khoản vay của AIIB “nhất định sẽ không đi kèm với các điều kiện về chính trị” (No Political Interference).

Điều này thoạt tiên có thể giống với nguyên tắc “không can thiệp” của Trung Quốc nhưng nó loại bỏ hai yếu tố quan trọng mà WB, ADB, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) thường đưa vào trong các khoản vay để tăng cường chất lượng quản trị của dự án. Đó là: (i) tính minh bạch về chính trị và (ii) vấn đề quyền con người.

Những chỉ trích của Trung Quốc đối với các “điều kiện đi kèm” mà các định chế trên duy trì đó là nó làm khả năng tiếp cận vốn của các nước đang phát triển có thể chế chính trị khác biệt với phương Tây, tăng chi phí vay vốn, tăng thời gian thẩm định vay vốn và tăng khả năng bị can thiệp vào tình hình nội bộ.

Tuy nhiên, những lập luận này khó lòng đứng vững khi các nhà kinh tế Trung Quốc đã bỏ qua sự thực là tại các nước đang phát triển – nơi tình trạng tham nhũng tràn lan – thì việc thiếu các rào cản về mức độ minh bạch sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn ở nhiều góc độ: vốn vay bị sử dụng sai mục đích, vốn vay bị sử dụng lãng phí, vốn được vay ngay cả khi hiệu quả của dự án thấp.

Các công ty và cá nhân Nhật Bản cũng có những hoạt động tham nhũng, hối lộ liên quan đến các khoản ODA do quốc gia này cung cấp nhưng sau đó đều bị khởi tố bởi chính phủ Nhật Bản. Các quốc gia nhận ODA của Nhật Bản cũng phải mạnh tay hơn trong việc giảm thiểu tham nhũng liên quan đến các khoản vốn vay.

Trong khi đó, “tính hai mặt” trong cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Tập Cận Bình phát động thể hiện ở việc chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các cá nhân hoặc tổ chức của Trung Quốc hối lộ hay tham nhũng ở nước ngoài sẽ bị đưa ra xét xử.

Bên cạnh đó, điều kiện đảm bảo về quyền con người mà WB, ADB hay EBRD sử dụng cũng đảm bảo rằng người dân có sinh kế bị thiệt hại bởi các dự án được đầu tư bởi các khoản vay nước ngoài có quyền lên tiếng để yêu cầu bồi thường hợp pháp. Điều này là một đòi hỏi xa lạ với các quốc gia đang phát triển. Cũng là điểm AIIB đã khai thác để giành lợi thế cho mình trong cuộc đua mới.

Các điều kiện cho vay

Yêu cầu về chính trị

Yêu cầu về môi trường

Yêu cầu về quyền con người

Quy định khác

WB

(IBRD)

- Có mục tiêu phát triển

- Các chỉ số về mức độ thực hiện

- Các điều kiện thỏa thuận với WB

- Các chính sách bảo vệ giúp phòng ngờ các tác động bất lợi đối với môi trường

- Không gây hại cho môi trường

- Chính sách “Đánh giá môi trường”

- Bảo vệ động vật hoang dã

- Không gây hại cho con người

- Bảo tồn di sản văn hóa

- Tái định cư bắt buộc

- Có quy trình xem xét các dự án thuộc các khu vực gây tranh cãi hoặc có tranh chấp

WB (IDA)

Như đối với IBRD

Như đối với IBRD

Như đối với IBRD

ADB

“Nhóm kiểm tra hợp cách” để thẩm định về tư cách vay vốn của bên đi vay

Không rõ

- Có đánh giá về độ rủi ro của tổng danh mục nợ nước ngoài của bên vay

- Cung cấp khoản vay bằng đồng nội tệ

EBRD

- Chống độc quyền

- Thúc đẩy sự phát triển của khu vực dịch vụ

- Thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân

- Thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn

- Thúc đẩy môi trường phát triển bền vững

Không rõ

AIIB

Nhất định không có

“Tham chiếu” theo WB và ADB nhưng không có quy định cụ thể

- Không đầu tư cho các dự án sử dụng lao động cưỡng bức hoặc lao động trẻ em

SF

Không có

Không có

Không có

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp

Vay vốn AIIB có đi kèm với các dự án rơi vào tay doanh nghiệp của Trung Quốc?

Điều lệ của AIIB quy định hai kênh cung cấp vốn cho đối tác bao gồm (i) cho vay trực tiếp, liên kết vốn hoặc tham gia cho vay; (ii) tham gia đầu tư cổ phần vào tổ chức hoặc doanh nghiệp. Hình thức cung cấp vốn (ii) về cơ bản không khác biệt với cách thức ADB tiến hành và điều đó không loại trừ việc vốn của AIIB chảy thẳng vào một doanh nghiệp Trung Quốc trước khi được cung cấp cho đối tác.

Lãi suất, quy mô cho vay và tỷ lệ giải ngân

Các tính toán về hiệu quả kinh tế của việc vay vốn nước ngoài sẽ quan tâm nhiều hơn đến mức độ biến động của tỷ giá tác động đến quy mô khoản lãi phải trả trong tương lai. Ở góc độ này, việc vay bằng đồng đô la Mỹ, nhân dân tệ (Trung Quốc) hay yen (Nhật Bản) đều đối diện với chi phí từ biến động tỷ giá lớn hơn nhiều so với chi phí lãi suất.

Việc xem xét lãi suất của WB, ADB và AIIB cũng cần phân loại theo hình thức khoản vay là vay viện trợ hay vay chính sách. AIIB cũng chưa có số liệu chính thức về cách tính lãi suất với các khoản vay chính sách.

Tuy nhiên, đối với loại hình đầu tư tài sản trực tiếp – tức đầu tư cổ phần vào một doanh nghiệp – để doanh nghiệp đó thực hiện hoạt động đầu tư vào quốc gia vay vốn thì báo cáo về các sản phẩm tài chính mà AIIB công bố tháng 1/2016 cho biết, AIIB hy vọng sẽ nhận được mức lợi nhuận đầu tư từ 8 – 20% tùy theo hình thức tài sản đầu tư. Chủ tịch hiện nay của AIIB trong một phát biểu chính thức với các quốc gia thành viên cũng cho rằng AIIB có thể đem lại cho các “nhà đầu tư” khoản lợi 15%/năm.

Trong khi đó, đối với các khoản vay bằng một loại ngoại tệ, lãi suất cho vay bằng đồng đô la Mỹ của ADB (tháng 7/2015) là 5,59% và bằng đồng Yen là 0,40% . Đáng chú ý, tỷ lệ cho vay bằng đồng yen của ADB đã giảm liên tục trong vòng 5 năm qua, từ mức 3,726 tỉ yen (tương đương 58,3 triệu đô la Mỹ, chiếm 6,4% tổng mức cho vay của ADB) xuống còn 1,03 tỉ yen (66,1 triệu đô la Mỹ, chiếm 1,55%).

Như vậy, ngoài các phân tích của chúng tôi về các chi phí gián tiếp khiến vốn vay của Trung Quốc không hề rẻ, thì chi phí vay vốn trực tiếp từ AIIB cũng cần được xem xét kỹ lưỡng.

Bên cạnh chi phí vay vốn, khả năng huy động vốn cũng như tỷ lệ giải ngân của AIIB là điều còn bỏ ngỏ. Theo ước tính, tỷ lệ giải ngân của AIIB có thể ngang với các định chế hiện thời, nhưng có những khó khăn và rủi ro trong quá trình giải ngân mà Trung Quốc có thể chưa lường trước được.

Một số định chế tài chính đầu tư phát triển CSHT trên thế giới

Vốn điều lệ (tỉ đô la Mỹ)

Vốn khả dụng (tỉ đô la Mỹ)

Múc cho vay (tỉ đô la Mỹ)

Tỷ lệ cho vay/tài sản

Giải ngân 2014 (tỉ đô la Mỹ)

Giải ngân/tài sản (%)

Xếp hạng S&P

WB (IBRD)

283

40

160

4,0

19

47

AAA

WB (IDA)

127

n.a

13

n.a

Ngân hàng phát triển liên Mỹ

144

24

75

3,1

9

39

AAA

ADB

154

17

56

3,3

7

43

AAA

EBRD

33

16

22

1,4

9

57

AAA

Ngân hàng phát triển châu Phi

97

9

31

3,5

5

52

AAA

Ngân hàng phát triển Mỹ Latin (CAF)

15

9

19

2,2

6

70

AA-

AIIB

100

20*

10-14

45-70

na

SF

40

10

2

20

na

Chú thích: (*) Dự án cho năm 2020

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp

(Còn tiếp...)

TS Phạm Sỹ Thành, TS Trần Toàn Thắng