1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sự chia rẽ trong cuộc bầu cử Mỹ sẽ phá hủy nền kinh tế thế giới?

Thùy Dung

(Dân trí) - Bộ trưởng Thương mại Singapore Chan Chun Sing cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất đối với Mỹ là làm thế nào để nước này duy trì vị thế dẫn đầu nhằm giữ vững trật tự kinh tế toàn cầu.

Sự chia rẽ trong cuộc bầu cử Mỹ sẽ phá hủy nền kinh tế thế giới? - 1
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore, ông Chan Chun Sing. Ảnh: Facebook

Đưa ra bình luận về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối tuần qua, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing cho rằng, bất cứ ai chiến thắng cũng cần phải đoàn kết đất nước để thích ứng với những thách thức của toàn cầu hóa và số hóa. Nếu không, theo ông, sẽ có nguy cơ bị phản ứng dữ dội đến mức có thể gây tổn hại cho hệ thống kinh tế toàn cầu.

“Một trong những thách thức lớn nhất đối với Mỹ trong tương lai là làm thế nào để duy trì vị thế dẫn đầu trên thế giới bằng cách huy động các đối tác cùng chí hướng hợp tác để duy trì và bảo toàn trật tự an ninh, kinh tế toàn cầu”, ông Chan nói.

Ngoài cuộc bỏ phiếu của Mỹ, ông Chan cũng cho biết, Singapore đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tái bùng phát khiến nhiều nước phải đóng cửa giãn cách xã hội. Singapore vốn phụ thuộc lớn vào thương mại nên cũng bị ảnh hưởng nhiều.

Ông Chan cảnh báo rằng sự phục hồi kinh tế của Singapore sẽ từ từ và không đồng đều. Tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước đã tăng trong quý thứ III lên mức cao nhất kể từ năm 2004.

Theo ông Chan, mặc dù sự hồi sinh của Trung Quốc sau đại dịch đã hỗ trợ phần nào cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng một mình Trung Quốc sẽ không thể làm nên điều kỳ diệu cho thế giới.

Hiện các doanh nghiệp ngày càng chấp nhận rằng một số thứ đã thay đổi về cơ cấu kể từ sau đại dịch. Khoảng một nửa số doanh nghiệp Singapore mà ông Chan đã nói chuyện hiện đều cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ không thể phục hồi trở lại giai đoạn tiền Covid-19 trong những năm tới.

"Nhiều công ty đang xem xét lại toàn bộ quy mô sản xuất toàn cầu của họ” ông cho biết và thêm rằng, ngay cả những công ty đang hoạt động tốt, như trong ngành chất bán dẫn, cũng đang điều chỉnh lại mọi thứ.

Theo ông, trong dài hạn đến trung hạn, những điều chỉnh như vậy sau Covid-19 là “một điểm cộng ròng cho Singapore - một quốc gia không có tài nguyên thiên nhiên.”

Ông đưa ra một băn khoăn rằng: “Câu hỏi thực sự là chúng ta kết nối với phần còn lại của thế giới như thế nào?”

Trong khi đó, 6 quốc gia ASEAN bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Malaysia đã bắt đầu vận hành một cơ chế vận chuyển xuyên biên giới để vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ thuận lợi hơn trong khu vực. Hệ thống này nhằm mục đích tăng cường kết nối chuỗi cung ứng trong toàn khu vực, đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí.

Theo một tuyên bố chung do Hải quan Singapore và Bộ Thương mại và Công nghiệp đưa ra, các quốc gia khác mà Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN sẽ được triển khai bao gồm Campuchia và Lào

Theo tuyên bố, “Các thương nhân có thể thực hiện một hành trình quá cảnh duy nhất qua các quốc gia thành viên ASEAN thông qua một xe tải, một tờ khai hải quan và bảo lãnh của một ngân hàng duy nhất.”