Soi "nhất cử nhất động" của Facebook, Google để ngăn trốn thuế
(Dân trí) - Tổng cục Thuế giao cho các cục thuế rà soát, theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin doanh nghiệp có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook, Apple, Amazon.
Tổng cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tăng cường hiệu quả việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Các cục thuế cần rà soát, theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin doanh nghiệp có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook, Apple, Amazon; doanh nghiệp kinh doanh, bán hàng trực tuyến; kinh doanh hoạt động cho thuê nhà trực tuyến thông qua ứng dụng Booking.com, Agoda.
Cơ quan thuế cũng quản lý, theo dõi các doanh nghiệp chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài; doanh nghiệp tổ chức, điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Shopee, điều hành các ứng dụng trung gian thanh toán như VNPay, AirPay, Napas, trung gian vận chuyển như Grab, Now, Baemin.
Các cục thuế sẽ phối hợp với các ngân hàng, công ty tài chính, công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán để thu thập thông tin doanh nghiệp, thu nhập, dữ liệu dòng tiền giao dịch qua tài khoản của các tổ chức trong nước với các công ty nước ngoài sở hữu, vận hành các nền tảng trực tuyến như Facebook, Google, Youtube.
Tại phiên chất vấn hồi giữa tháng 3, trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin từ năm 2018 đến hết tháng 12/2021, ngành thuế đã thu được gần 5.000 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng. Cụ thể, thu thuế từ Facebook 1.694 tỷ đồng, từ Google 1.618 tỷ đồng, từ Microsoft 576 tỷ đồng và từ thương mại xuyên biên giới là gần 1.318 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế chủ động xây dựng cổng thông tin điện tử về kê khai thuế xuyên biên giới và môi trường mạng xã hội. Doanh nghiệp ở nước ngoài khi bán hàng qua biên giới sẽ trực tiếp kê khai thuế tại cổng này, đồng thời thực hiện nộp thuế từ ngày 21/3.
Vấn đề thu thuế Facebook, Google hay các nền tảng như Youtube, Netflix... thường nhận được sự quan tâm đặc biệt. Lý do là các nền tảng mạng xã hội, trong đó có những cái tên như Facebook, Google, Netflix, Youtube... chiếm khoảng 70% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, bỏ túi hàng tỷ USD mỗi năm nhưng lại đóng thuế nhỏ giọt và tận dụng mọi kẽ hở để né thuế.
Trong một báo cáo về tình hình thu ngân sách hồi giữa năm 2021, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) khẳng định Facebook, Google, Netflix, Youtube... vẫn chưa đóng thuế đầy đủ, minh bạch tại Việt Nam cũng như ủy nhiệm cho các ngân hàng, đối tác tại Việt Nam thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Do đó, Nghị định 70/2021 ra đời, có quy định rõ từ ngày 15/9/2021, các nền tảng mạng xã hội, trong đó có Facebook, Google, Netflix, Youtube... phải nộp thuế đầy đủ tại Việt Nam. Hình thức nộp là trực tiếp hoặc gián tiếp qua bên thứ 3 là ngân hàng, trung gian tài chính.