“Siêu ủy ban” quản lý vốn sẽ làm giảm nạn “con ông cháu cha”
“Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ giảm bớt sự can thiệp tùy tiện của các Bộ, ngành vào DNNN bởi Ủy ban có sự tham gia của tập thể bao gồm đại diện của Chính phủ và các Bộ, ngành. Muốn đưa ra chính sách có lợi cho DN hay gửi gắm con cháu vào đó cũng không tiện”, TS. Lê Đăng Doanh kỳ vọng
Kỳ vọng vào sự ra đời của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, theo chương trình, cuộc họp Chính phủ ngày 2.2 tới sẽ thông qua Nghị quyết về thành lập Ủy ban. Rồi trên cơ sở Nghị quyết, mới thành lập một cơ sở chính danh về pháp lý. Lúc đó, mới chọn, bố trí người, thiết lập bộ máy, tổ chức, nhân sự.
TS. Nguyễn Đình Cung cho biết cuộc họp Chính phủ ngày 2.2 tới sẽ thông qua Nghị quyết về thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp
TS. Nguyễn Đình Cung phân tích: “Tôi hi vọng dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thực hiện những công việc chuẩn bị thì tới quý III.2018, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ bắt đầu hoạt động.
Dù rất nhiều người nghi ngờ về cơ quan này. Song nếu ai hiểu được thực trạng quản lý DNNN của chúng ta hiện nay thì chắc chắn sẽ thấy đây là một cuộc chiến trên 2 phương diện.
Thứ nhất, các DNNN khi tách khỏi sự quản lý của các Bộ quản lý ngành sẽ hoạt động bình đẳng hơn. Các Bộ sẽ không còn suy nghĩ về chính sách ưu đãi cho bộ phận DN này vì chúng là DNNN. Vậy nên, DNNN sẽ trung chính hơn, dần hoạt động bình đẳng theo các nguyên tắc thị trường.
Thứ hai, khả năng quản trị sẽ cải thiện. Những việc xảy ra trước đây ở Vinashin, Vinalines và cả những vụ án vừa mới xét xử cho thấy hoạt động quản trị DN rất có vấn đề.
Việc thành lập Ủy ban sẽ tạo bước tiến trên 2 phương diện này”.
Theo ông Cung, trong quá trình chuẩn bị, đã có sự đánh giá khá cẩn thận về mặt lựa chọn con người: cần ai? nhân sự như thế nào?... Đồng thời, xây dựng cơ chế, bộ công cụ quản lý, chuẩn bị thông tin.
Ông Cung nói: “Việc theo dõi DN sẽ thông qua hệ thống thông tin quản lý chứ không phải báo cáo giấy như hiện nay. Hiện nhiều cơ quản quản lý Nhà nước khi cần cung cấp thông tin lại ra một công văn, rồi chờ phía dưới báo cáo lên, rất lòng vòng”.
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng “Siêu ủy ban” quản lý 5 triệu tỷ đồng tiền vốn sẽ giúp làm giảm số lượng "con ông cháu cha" tại các DNNN
Trao đổi với Dân Việt về kết quả cổ phần hóa DNNN năm 2017, TS. Lê Đăng Doanh đánh giá, việc tiến hành cổ phần hóa còn chậm, trừ dấu ấn tới từ Sabeco và Vinamilk, mục tiêu cổ phần hóa 67 DNNN không đạt được.
Liên quan tới sự ra đời của “Siêu ủy ban” quản lý 5 triệu tỷ đồng tiền vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp, TS. Doanh cho rằng, việc này sẽ tránh được tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi ở các Bộ, ngành.
“Các Bộ quản lý ngành bây giờ vừa thực hiện nhiệm vụ, chức năng quản lý Nhà nước, lại vừa ưu ái các DNNN mà chính Bộ là đại diện sở hữu. Vì là đại diện sở hữu, nên nhiều vị lãnh đạo tranh thủ gửi gắm con, cháu. Rồi chính các DNNN sẽ phải gánh khoản chi phí gánh vác bộ máy gồm những người làm việc không hiệu quả này.
Sau khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp được thành lập, tình trạng sân trước – sân sau, lợi ích nhóm sẽ giảm đi rất nhiều. DNNN cũng sẽ cạnh tranh bình đẳng hơn và sẽ có khả năng được cải cách tốt hơn”.
Theo ông Doanh, tình trạng gửi gắm con cháu, người nhà vào làm việc, sau đó bổ nhiệm giữ các vị trí quản lý, lãnh đạo tại các DNNN không phải là chuyện hiếm.
“Ủy ban sẽ giảm bớt sự can thiệp tùy tiện của các Bộ, ngành vào DNNN bởi Ủy ban có sự tham gia của tập thể bao gồm đại diện của Chính phủ và các Bộ, ngành. Muốn đưa ra chính sách có lợi cho DN hay gửi gắm con cháu vào đó cũng không tiện”, ông Doanh nói.
TS. Lê Đăng Doanh từng nhiều lần đề cập tới trường hợp bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải vào vị trí lãnh đạo Sabeco.
Theo ông Doanh, điều 65 của Luật Doanh nghiệp về tiêu chuẩn và điều kiện làm giám đốc, tổng giám đốc nêu rõ: “Đối với công ty con của công ty có phần vốn góp, cổ phần do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ..., giám đốc hoặc tổng giám đốc không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty mẹ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty đó”.
Như vậy, Luật Doanh nghiệp đã quy định rất rõ đại diện chủ sở hữu không được bổ nhiệm vợ, con vào các vị trí lãnh đạo nói trên. Trong khi đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vào thời điểm đó là đại diện chủ sở hữu mà lại bổ nhiệm con trai mình là sai.
Theo Hoàng Nhật
Dân Việt