"Tứ đại" chuyên gia kinh tế Việt nói gì về “siêu uỷ ban” quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp?

(Dân trí) - Tại Toạ đàm Kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2017 được Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) tổ chức tại Hà Nội sáng nay 16/1, bốn chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam đã đưa ra nhận định đầu tiên về quyết định của Chính phủ thành lập Tổ công tác của Thủ tướng thực thi việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) - siêu uỷ ban quản lý 30 tập đoàn, tổng công ty, với số vốn 5 triệu tỷ đồng.

Đăng đàn đầu tiên, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nay là Bộ Công Thương nói: Quản lý thế nào, nhiều DN Nhà nước thì không ai quản được, nên đi đôi việc quản lý với đẩy mạnh cổ phần hoá. Những DN không cần Nhà nước nắm giữ vốn cần bán hết, thu gọn đầu mối lại và cần quản lý quản chỗ cực kỳ quan trọng, quản lý các DN về chính sách công nghiệp.

Siêu uỷ ban quản lý vốn Nhà nước 5 triệu tỷ đồng được các chuyên gia ủng hộ mạnh mẽ
Siêu uỷ ban quản lý vốn Nhà nước 5 triệu tỷ đồng được các chuyên gia ủng hộ mạnh mẽ

Cần tìm người "kỹ trị" thay vì nhà làm "chính trị"

"Nếu chúng ta ôm DN quá nhiều thì không có sức nào để quản được, hướng tách ra là tôi ủng hộ", ông Tuyển nói.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại cho rằng: Chúng ta luôn phải đặt ra câu hỏi làm thế nào để quản lý tốt hơn, nếu không có thì chúng ta phải làm những cách ít dở nhất, thu tóm các DN nhà nước lại ít đi. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được lập ra trước kia đến nay chỉ có trách nhiệm là làm thế nào để vốn Nhà nước tăng lên nhưng khó thực hiện hiệu quả.

Ông Tuyển kể lại: Trước kia, tôi kiến nghị Thủ tướng cần lập một cơ quan quản lý vốn như Singapore nhưng lưu ý họ chỉ có ít DN Nhà nước thôi. Tuy nhiên, khi SCIC được lập ra, họ đã làm việc quá sức, không đủ năng lực, quá yếu. Tôi đề nghị chúng ta phải thu tóm lại gọn lại đã rồi hẵng nghĩ đến chuyện quản lý, sử dụng vốn đó lãi.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế khẳng định: Thành công và hiệu quả của chính sách của Uỷ ban là phải là nằm ở người quản lý. Người lãnh đạo đó phải là người “kỹ trị”, chứ không phải là “chính trị”. Cách chúng ta nhầm lẫn, đảo lộn giữa hai nhiệm vụ này nên khiến dư luận không yên tâm.

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao chúng ta phải lập ra một Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tới 5 triệu tỷ đồng thường được gọi là "siêu uỷ ban", bà Lan cho rằng: bối cảnh hiện nay là không có sự lựa chọn nào khác.

Cần học Pháp để quản "con cưng" của Nhà nước

"Trong báo cáo 2035, chúng tôi kiến nghị Việt Nam chỉ nên duy trì 20 DN Nhà nước thôi nên có lẽ lúc ấy không cần đến siêu uỷ ban. Tôi lấy ví dụ một nước phát triển như Pháp, họ chỉ có hơn 20 DN Nhà nước nhưng mỗi DN được hoạt động theo một luật riêng. Với Việt Nam, từ nay đến năm 2035 sẽ là rất dài, nên chắc chúng ta phải cần 1 uỷ ban như vậy", bà Lan nói.

Vị này nhấn mạnh: Nếu không lập uỷ ban mà vẫn để mỗi DN được một bộ, địa phương quản lý thì vẫn kiểu chia quyền cho bộ và địa phương thì chẳng khác nào bổn cũ soạn lại, không thể quản lý được.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Việc thực hiện và vận hành Uỷ ban đang thực sự là thách thức thực sự vì có quá nhiều khó khăn. Tôi rất mong ủng hộ việc thành lập, vì nó lấy đi lợi ích nhóm, bắt các bộ phải chuyên tâm lo cho quản lý Nhà nước, không cài cắm lợi ích, sân sau, sân trước để có chính sách quản lý méo mó.

TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng CIEM: Đã là sở hữu tài sản và quyền ra chính sách tại bộ, ngành thì muôn thuở nảy sinh 2 vấn đề: Xung đột lợi ích, và rủi ro đạo đức. Uỷ ban vốn nhà nước của Trung Quốc vừa rồi, người đứng đầu Uỷ ban vừa bị bắt. Chính vì vậy, dù là tổ chức nào chúng ta cũng phải đề cao việc giám sát, cân đo năng lực, có làm được cho tốt hơn hay không? Tôi ủng hộ chủ trương này vì nó ít nhiều chúng ta làm giảm thiểu xung đột lợi ích.

Tôi thấy rằng SCIC ra đời ban đầu ra đời là mục tiêu phải là thu nhỏ DNNN lại, nhưng không làm được. Bước đầu chúng ta mới chỉ đưa DNNN vào đây thôi chưa làm được hiệu quả về vốn.

"Nếu được làm lại, SCIC phải làm tốt hơn, phải thuộc quyền của Thủ tướng chứ không phải Bộ Tài chính như hiện nay", TS Thành nói.

Nguyễn Tuyền

"Tứ đại" chuyên gia kinh tế Việt nói gì về “siêu uỷ ban” quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp? - 2