1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Siêu dự án" sân bay Long Thành nguy cơ "lụt" tiến độ

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - "Nếu không giải phóng toàn bộ mặt bằng sạch theo đúng tiến độ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến biện pháp thi công tổng thể giai đoạn một" - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (HKQT), tỉnh Đồng Nai.

Trong báo cáo do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ: Đến nay, dự án đã thu hồi được hơn 1.200 ha trên tổng số 2.532 ha, đạt 50,7%; chi trả tiền giải phóng mặt bằng (GPMB) cho hơn 2.600 hộ dân bị ảnh hưởng, đạt 47 %. Mới có 786 hộ đã phê duyệt phương án bồi thường và 2.106 hộ chưa phê duyệt phương án bồi thường.

Về việc xây dựng hạ tầng các khu tái định cư ở 5 dự án thành phần cũng được đề cập tới. Trong đó, dự án thành phần một - hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư tại xã Lộc An, xã Bình Sơn - dự kiến hoàn thành xây dựng hạ tầng và cấp nước vào cuối tháng 6; điện và chiếu sáng trong tháng 7 và trạm xử lý nước thải trong tháng 10.

Dự án thành phần 2 là các công trình xã hội khu dân cư, tái định cư tại xã Lộc An và xã Bình Sơn - có tới 6/7 tiểu dự án đang chậm tiến độ.

"Nếu không giải phóng toàn bộ mặt bằng sạch theo đúng tiến độ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến biện pháp thi công tổng thể giai đoạn một" - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn khẳng định.

Siêu dự án sân bay Long Thành nguy cơ lụt tiến độ - 1

"Siêu dự án" sân bay Long Thành nguy cơ "lụt" tiến độ.

Về phía UBND tỉnh Đồng Nai, địa phương này cũng đang gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện giải trình với Kiểm toán Nhà nước trong việc điều chỉnh khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; không hỗ trợ chuyển đổi việc làm đối với các đối tượng nhân công, nội trợ; Các nhân khẩu trong sổ hộ khẩu có mối quan hệ gia đình… thì không đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất…

Bộ GTVT cũng cho biết, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đang triển khai thiết kế kỹ thuật các hạng mục chính là nhà ga hành khách và đường cất-hạ cánh (CHC). Dự kiến, triển khai công tác san nền vào tháng 9, nhà ga hành khách và đường CHC vào quý I/2022. Bộ GTVT đang chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương thực hiện để hoàn thành xây dựng trong quý I/2025 và kịp thời đưa vào khai thác vào cuối năm 2025.

Với dự án thành phần một (các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước), Bộ GTVT đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan (Bộ Công an, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Đồng Nai…) khẩn trương chuẩn bị và thực hiện đầu tư theo quy định pháp luật; kịp thời trình các cơ quan chủ quản bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở thực hiện. Hiện nay, mới chỉ có Bộ Công an có văn bản phối hợp triển khai.

Phương án nguồn vốn đầu tư và thời gian thực hiện dự án thành phần một đến nay vẫn chưa xác định cụ thể. Theo Bộ GTVT, trường hợp đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải được ghi vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các bộ, ngành liên quan. Do đó, cần có thời gian để xác định được nguồn vốn đầu tư làm cơ sở thực hiện công tác lập, thẩm định và phê duyệt đầu tư dự án.

Bộ GTVT cho biết, Dự án sân bay Long Thành được triển khai thực hiện bởi nhiều cơ quan liên quan phê duyệt đầu tư, chủ đầu tư và sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện theo kế hoạch, đề nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội quan tâm, xem xét bố trí nguồn vốn trung hạn 2021-2025 để các cơ quan quản lý Nhà nước có đủ nguồn vốn thực hiện.

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh công tác GPMB, đặc biệt là giải quyết các vướng mắc của 1.000 hộ dân nằm trong phạm vi giai đoạn một và xử lý các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về công tác GPMB đáp ứng tiến độ giải ngân đảm bảo theo kế hoạch vốn đã giao trong năm nay.

Theo Bộ GTVT, dự án này sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu của ACV tối thiểu khoảng 36.000 tỷ đồng, phần còn lại khoảng 63.000 tỷ đồng sử dụng vốn vay (không sử dụng bảo lãnh Chính phủ). Hiện nay, ACV đang gặp khó khăn trong việc xin phép áp dụng phương án vay bằng USD và trả bằng USD từ các ngân hàng trong nước có vốn cổ phần nhà nước chi phối.

Ngoài ra, dự án có nhiều hạng mục, khối lượng lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, sử dụng công nghệ hiện đại trên thế giới. Do đó, quá trình lập hồ sơ thiết kế, thẩm định, phê duyệt thiết kế và các thiết bị công nghệ mới sẽ gặp nhiều khó khăn; đồng thời quá trình triển khai phụ thuộc vào tư vấn nước ngoài rất lớn, đặc biệt trong việc huy động các chuyên gia nước ngoài sang làm việc trực tiếp tại Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.