1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Khát" vốn đầu tư hạ tầng, TPHCM kêu gọi hợp tác công tư

(Dân trí) - Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng tại TPHCM rất lớn, tuy nhiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách có hạn. Do đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng hợp tác công tư (PPP) là giải pháp tối ưu để phát triển hạ tầng.

Phát biểu tại hội thảo quốc tế về hợp tác công tư trong một số lĩnh vực ở TPHCM sáng 27/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nói rằng xã hội hóa đầu tư có thể cùng lúc giải quyết được 4 mục tiêu. Đó là tiết kiệm ngân sách, giảm áp lực nợ công, phát triển đồng bộ kết nối hạ tầng và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các thành phần kinh tế.

Trong đó, hợp tác công tư (PPP) được xem là một trong giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn về đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nhất là các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn như TPHCM.

Trong thời gian qua, TPHCM cũng đạt được một số thành tựu từ việc xã hội hóa đầu tư. Tuy nhiên, ông Phong cho rằng thực tiễn triển khai hợp tác công tư vẫn còn nhiều thách thức, rào cản cần vượt qua để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Khát vốn đầu tư hạ tầng, TPHCM kêu gọi hợp tác công tư - 1

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng kêu gọi hợp tác công tư (PPP) là giải pháp tối ưu phát triển hạ tầng thành phố

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, hệ thống hành lang pháp lý cần được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn. Ông cũng mong muốn các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của thành phố.

“Chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư có những trải nghiệm mới khi lựa chọn thành phố là điểm đến đầu tư lâu dài”, ông Phong khẳng định.

Tại hội thảo, bà Victoria Rigby Delmon – Cố vấn cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra những hạn chế trong thu hút đầu tư PPP tại TPHCM. Theo bà, do hạn chế về kinh nghiệm đầu tư PPP nên nhiều dự án đầu tư của thành phố kết quả không nhất quán.

Bên cạnh đó, hầu hết các dự án đều theo đề xuất của nhà đầu tư với phần lớn dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) hoặc phương án tuyển chọn từ một nguồn duy nhất, dẫn tới thiếu tính minh bạch và cạnh tranh.

“Nhà đầu tư tư nhân rất nhạy cảm với rủi ro quốc gia, đặc biệt là tham nhũng”, bà Victoria nhận định.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới cho rằng để duy trì lợi thế cạnh tranh cũng như giải quyết các thách thức từ tốc độ đô thị hóa nhanh, thành phố cần đầu tư hạ tầng nhiều hơn, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế…

“Nếu chỉ dựa vào đầu tư công thì thành phố không đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về hạ tầng và dịch vụ. Vì vậy, thành phố cần cải thiện hiệu quả đầu tư công và hướng đến việc phát huy tốt hơn nguồn lực từ khu vực tư nhân. PPP sẽ một giải pháp giải quyết được nhu cầu hạ tầng và gia tăng phúc lợi xã hội”, ông Ousmane Dione nói.

Dẫn chứng nhiều quốc gia đã thành công với PPP, song đại diện Ngân hàng Thế giới lưu ý rằng không phải lúc nào cũng thành công ở mọi quốc gia và có nhiều trường hợp đã thất bại.

“Để triển khai PPP thành công, các bên tham gia phải nhìn nhận đây là mô hình hợp tác dài hạn, trong đó khu vực công và tư cùng chia sẻ không chỉ lợi ích mà cả rủi ro. Nếu hai chủ thể trên không được chia sẻ đồng đều thì khả năng thất bại rất cao”, ông Ousmane Dione nói.

Theo ông, khung pháp lý, quy định và thể chế cũng phải rõ ràng, chặt chẽ để giúp các nhà đầu tư có thể chấp nhận rủi ro trong dài hạn với mức độ chắc chắn nhất định.

Khát vốn đầu tư hạ tầng, TPHCM kêu gọi hợp tác công tư - 2
TPHCM đang triển khai dự án chống ngập trị giá gần 10.000 tỷ đồng theo hình thức BT

Hiện có một số hình thức PPP phổ biến được áp dụng ở TPHCM như: BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao), BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành)…

Từ năm 2010 đến giữa năm 2015 trên địa bàn TPHCM có 13 dự án BOT, BT trong lĩnh vực giao thông, môi trường được triển khai với giá trị gần 33.000 tỷ đồng của 8 nhà đầu tư.

Trong đó có 5 dự án trong lĩnh vực giao thông đã hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ, 8 dự án đã ký hợp đồng hoặc đang triển khai với tổng mức đầu tư gần 26.000 nghìn tỷ đồng.

Một số dự án có thể kể tới như dự án xây dựng cầu Phú Mỹ; dự án đường kết nối cầu Phú Mỹ; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương- An Lạc; Dự án xa lộ Hà Nội; Dự án cầu Bình Triệu 2; Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu.

Hiện, thành phố tiếp tục triển khai một số dự án như xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm (12.000 tỷ đồng), dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (gần 10.000 tỷ đồng), cầu Thủ Thiêm 2 (3.100 tỷ đồng)…

Theo số liệu báo cáo sau 2,5 năm triển khai chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 của Sở Giao thông vận tải TP, tổng số 172 dự án ưu tiên tập trung với nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này là hơn 323.000 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách thành phố là 46.500 tỷ đồng (120 dự án); vốn ODA là 73.233 tỷ đồng (6 dự án), nguồn vốn theo hình thức hợp tác công tư là 126.000 tỷ đồng (40 dự án); nguồn vốn Trung ương là 78.200 tỷ đồng (6 dự án).

Tuy nhiên, giai đoạn 2016-2018, nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, do đó trong giai đoạn 2018-2020, thành phố cần 284.000 tỷ đồng (hơn 87% tổng nhu cầu vốn của chương trình).

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm