Sếp lớn ngân hàng bị chất vấn chuyện cho FLC, Tân Hoàng Minh vay

Việt Đức Văn Hưng

(Dân trí) - Trong mùa họp đại hội cổ đông các ngân hàng năm nay, vấn đề các khoản cho vay với Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh trở thành chủ đề "nóng", bên cạnh tín dụng bất động sản.

"Nóng" chuyện cho FLC vay vốn

Tại đại hội thường niên mới diễn ra, một cổ đông ABBank chia sẻ thời gian qua, sự cố FLC, Tân Hoàng Minh tác động tiêu cực đến một số ngân hàng và tổ chức tín dụng. Vị này đặt câu hỏi liệu ABBank có đang cho FLC, Tân Hoàng Minh vay không.

Chủ tịch ABBank Đào Mạnh Kháng khẳng định là không, đồng thời cho biết chủ trương của nhà băng là không phát triển quá nhanh, không có khẩu vị rủi ro quá lớn. "Bản thân ABBank cũng có quan hệ với ông Trịnh Văn Quyết khi phát triển chi nhánh Thanh Hóa. Đây là nhu cầu nội tại của doanh nghiệp, nhưng việc thẩm định thấy không phù hợp", ông Kháng nói.

Thực tế, Sacombank, OCB và BIDV là những ngân hàng đang cấp tín dụng nhiều nhất cho FLC. Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh cho biết dư nợ của riêng FLC với Sacombank khoảng 3.200 tỷ đồng và là khoản tín dụng tốt nhưng do dư luận nên ngân hàng đã thảo luận để thu hồi nợ sớm và phía khách hàng cũng hoàn toàn hợp tác.

Hiện tại, FLC đã trả 2.600 tỷ đồng cho ngân hàng này và dự kiến một tháng nữa sẽ thanh toán nốt 600 tỷ đồng còn lại. "Khoản cho vay với FLC không có vấn đề gì phức tạp cả", ông Minh chia sẻ với cổ đông.

Sếp lớn ngân hàng bị chất vấn chuyện cho FLC, Tân Hoàng Minh vay - 1

(Biểu đồ: Việt Đức).

Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm thông tin thêm, tổng dư nợ của Sacombank với FLC và các công ty liên quan như hãng hàng không Bamboo Airways là khoảng trên 5.000 tỷ đồng. Việc cấp tín dụng với các doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC diễn ra trong thời điểm chính sách chung của ngành ngân hàng là đồng hành với du lịch, hàng không. "Các khoản vay được đảm bảo bằng nhiều dự án bất động sản, cổ phiếu, tài sản rất tốt. Chúng tôi cho vay rất chuẩn", bà Diễm nói.

Trong khi đó, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết FLC trước thời điểm ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, trong quan hệ tín dụng với OCB, FLC trả nợ gốc, lãi rất nghiêm túc, chưa bao giờ chậm nợ và thực tế trong cả hệ thống ngân hàng, tập đoàn này cũng chưa bao giờ bị chuyển nhóm nợ. 

Theo ông Tùng, OCB cho FLC vay khoảng 1.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào hai dự án bất động sản ở Quảng Ninh. Ngân hàng chỉ cho vay dựa trên dự án cụ thể và 2 dự án đều đủ pháp lý. Song song đó, OCB cũng cho Bamboo Airways vay khoảng 1.000 tỷ đồng với tài sản thế chấp bằng bất động sản. Dù vậy, do tính chất rủi ro sau sự kiện liên quan ông Trịnh Văn Quyết, OCB đang thương thảo với FLC cũng như Bamboo Airways để thu hồi nợ sớm.

Ông Tùng cũng nói thêm, vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết có tính chất cá nhân còn Tập đoàn FLC hiện nay dù rất khó khăn nhưng vẫn hợp tác với ngân hàng. Trong trường hợp khách hàng vẫn hoạt động tốt, ngân hàng dù không tăng hạn mức nhưng vẫn có thể xem xét duy trì quan hệ tín dụng để hỗ trợ.

Cổ đông các ngân hàng lo ngại về dư nợ bất động sản

Cho vay bất động sản luôn là vấn đề được cổ đông ngân hàng quan tâm trong các mùa họp đại hội cổ đông, đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước mới có động thái siết chặt hoạt động này.

Chia sẻ với cổ đông, ông Đào Mạnh Kháng cho biết hiện tổng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản và cho vay mua nhà để ở của ABBank ở mức 22-23% tổng dư nợ, ở ngưỡng an toàn. Năm nay, ngân hàng vẫn chủ trương tăng dư nợ cho vay trong lĩnh vực cho vay mua nhà để ở và cả các lĩnh vực dịch vụ khác.

Tại Sacombank, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm thông tin dư nợ trong lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 22% so với tổng mức tín dụng của ngân hàng. Đi vào chi tiết, 60% dư nợ với bất động sản là các khoản cho vay với người dân mua nhà.

Còn tổng mức cho vay với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khoảng 30.000 tỷ đồng, so với tổng dư nợ khoảng 400.000 tỷ đồng của Sacombank là con số nhỏ. Đồng thời, bà Diễm khẳng định ngân hàng luôn kiểm soát tín dụng với lĩnh vực bất động sản rất tốt.

Sếp lớn ngân hàng bị chất vấn chuyện cho FLC, Tân Hoàng Minh vay - 2

Một số ngân hàng thương mại thời gian qua ra thông báo dừng cho vay với lĩnh vực bất động sản (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ở đại hội thường niên của Techcombank, một nhà đầu tư nêu vấn đề trong kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 16,2% năm nay, nhà băng đã tính tới việc ảnh hưởng của suy giảm từ siết cho vay bất động sản chưa. CEO Techcombank Jens Lottner trả lời với nguồn cung thiếu về nhà ở, dân số trẻ, nhu cầu nhà ở lớn, thu nhập người trẻ tăng… thì trong dài hạn ngân hàng vẫn kỳ vọng có cơ hội đầu tư tốt.

Theo ông, cũng chính bởi những điều kiện trên nên có một số doanh nghiệp bất động sản muốn tận dụng và có hành vi chưa hợp lệ. Việc siết tín dụng bất động sản không có nghĩa là lĩnh vực này không được coi trọng tại Việt Nam. "5 năm qua, ngân hàng chúng tôi không có một vấn đề nào với các khoản vay bất động sản. NPL (nợ xấu - PV) gần như bằng 0 đối với cho vay bất động sản", ông Jens Lottner khẳng định và cho biết việc quản trị rủi ro vẫn đang được thực hiện tốt.

Trong khi đó, lãnh đạo SHB cho biết dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản trên tổng dư nợ tại SHB đạt 6,75% (khoảng 24.400 tỷ đồng). SHB cũng đang đầu tư 6.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, với trái phiếu bất động sản đạt 4.100 tỷ đồng.

Với MB, tỷ trọng dư nợ về bất động sản chiếm khoảng 8% (+/-2%) dư nợ, tính cả bất động sản nhà ở và bất động sản kinh doanh. Tỷ lệ nợ xấu của mảng cho vay bất động sản là khoảng 0,14%.