CEO Lưu Trung Thái tiết lộ gì về ngân hàng mà MB sắp nhận chuyển giao?
(Dân trí) - Theo Tổng giám đốc MB, lộ trình nhận chuyển giao bắt buộc với một ngân hàng khác của MB sẽ là khoảng 7-8 năm. Lỗ lũy kế các kiểu của ngân hàng đó, theo ông, không vượt 20.000 tỷ đồng.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB) năm 2022 diễn ra sáng 25/4, nhiều cổ đông chất vấn ban lãnh đạo ngân hàng liên quan đến việc MB nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.
Chia sẻ về vấn đề này, Tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái cho biết việc nhận chuyển giao vừa là nhiệm vụ, vừa là tự nguyện. "Hiện nay, tôi chưa thể tiết lộ thông tin cụ thể về ngân hàng được chuyển giao nhưng quy mô của tổ chức này dưới 10% tổng tài sản của MB, lỗ lũy kế các kiểu không vượt quá 20.000 tỷ đồng", ông Thái nói.
Để xử lý lỗ lũy kế, lãnh đạo MB thông tin ngân hàng chuyển giao được vay một khoản tiền 0% từ ngân hàng nhận chuyển giao và được hỗ trợ (không tiết lộ số tiền) từ Nhà nước. Lộ trình chuyển giao là khoảng 7-8 năm.
Sau khi triển khai tái cơ cấu, MB có 3 phương án xử lý: một là sáp nhập vào MB để quy mô MB lớn lên, hai là bán tổ chức tín dụng này đi như một khoản đầu tư hoặc IPO chuyển thành ngân hàng cổ phần.
"Trả lại thì không được nhưng chúng ta có quyền bán đi hoặc IPO tổ chức này", Tổng giám đốc MB khẳng định.
Cũng theo ông Thái, việc nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng để tận dụng các cơ hội tăng trưởng quy mô nhanh chóng so với tốc độ hiện nay, củng cố và nâng hạng vị thế trên thị trường. MB sẽ chuyển sang tổ chức tín dụng một số khoản vay có chất lượng tốt để đảm bảo khả năng hoạt động và chất lượng nợ của tổ chức tín dụng này.
"Chúng tôi đã đưa lực lượng sang để trực tiếp thẩm định và hiện nay tỷ lệ nợ xấu khoảng 47%", ông Thái nói thêm.
Trước đó, theo tài liệu đại hội cổ đông được công bố, MB trình cổ đông thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.
Thông tin rò rỉ trước đó cho thấy tổ chức tín dụng đó khả năng cao là "ngân hàng 0 đồng" OceanBank. Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 của OceanBank diễn ra đầu năm nay, ông Lưu Trung Thái và ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành, Giám đốc khối CIB MB đều tham dự.
Ngoài vấn đề nhận chuyển giao ngân hàng, cổ đông cũng quan tâm tới dư nợ bất động sản, trái phiếu của MB. Lãnh đạo ngân hàng này thông tin hiện tại, tỷ trọng dư nợ về bất động sản chiếm khoảng 8% (+/-2%) dư nợ, tính cả bất động sản nhà ở và bất động sản kinh doanh. Tỷ lệ nợ xấu của mảng cho vay bất động sản khoảng 0,14%. Trong hơn 39.400 tỷ đồng trái phiếu chính phủ mà ngân hàng này sở hữu, tỷ lệ trái phiếu bất động sản là 3,98% và tập trung chủ yếu ở 2 mảng là năng lượng tái tạo và bất động sản. Ông Thái khẳng định các chủ đầu tư có chất lượng tốt, không đáng lo ngại.
Về kế hoạch, lãnh đạo ngân hàng cho biết năm nay ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 23% so với năm 2021, đạt 20.300 tỷ đồng; trường hợp kinh tế vĩ mô diễn biến khó khăn, lợi nhuận trước thuế chỉ dự kiến tăng lên 19.000 tỷ đồng.