Sếp doanh nghiệp ra nước ngoài "học tập" như đi chợ: Kỷ lục 106 ngày/2 năm
(Dân trí) - Tuần qua, thông tin xoay quanh việc lãnh đạo một doanh nghiệp do UBND TP.HCM quản lý đi công tác nước ngoài liên miên (106 ngày/2 năm) khiến nhiều người bất bình. Đáng nói, từ tổng giám đốc đến dàn "chóp bu" tổ chức nhiều chuyến đi "học tập" ở nước ngoài nhưng tình hình kinh doanh vẫn không khả quan, thậm chí... thụt lùi.
Tiền đâu mà lãnh đạo công ty Tân Thuận "đi nước ngoài như... đi chợ"?
Từ tổng giám đốc đến dàn "chóp bu" tổ chức nhiều chuyến đi "học tập" ở nước ngoài, thậm chí có cán bộ trong 2 năm đi hơn 100 ngày nhưng tình hình kinh doanh của công ty Tân Thuận vẫn không khả quan, thậm chí, tăng trưởng kiểu... thụt lùi.
Chỉ trong 2 năm 2016, 2017, IPC đã tổ chức các chuyến đi nước ngoài với tổng số tiền IPC chi trả hơn 1,3 tỷ đồng (chưa kể các chuyến đi bằng nguồn kinh phí tự túc, doanh nghiệp tài trợ...).
Không những vậy, thời gian đi cho phép là 10 ngày nhưng các cá nhân của công ty này thường xuyên "chơi chiêu" đi trước 5 ngày và về trễ 3 ngày so với quyết định của UBND TPHCM.
Việc đi công tác nước ngoài của dàn lãnh đạo IPC còn "bất ổn" ở việc nâng chi phí chuyến đi. Điển hình, chuyến đi Hồng Kông, IPC đề xuất chi phí 16,45 triệu đồng/người nhưng không hiểu sao sau đó làm tờ trình đội chi phí lên 25,04 triệu/người (tăng thêm 8,595 triệu/người). Xin đi 3 người nhưng thực tế là 4 người với chi phí trọn gói hơn 100 triệu đồng.
UBND TPHCM đã ra văn bản "tuýt còi" khi đề nghị đích danh Tổng Giám đốc Tề Trí Dũng tăng cường quản lý chặt chẽ các trường hợp cán bộ, lãnh đạo quản lý đi nước ngoài, không để tái diễn trường hợp tương tự như trên.
Thế nhưng, chính Tổng Giám đốc Tề Trí Dũng giữ "kỷ lục" đi nước ngoài nhiều với 106 ngày/2 năm. Đáng lưu ý, qua thống kê cho thấy, nếu đi nước ngoài bằng nguồn tài trợ, số ngày đi nước ngoài của ông Dũng vượt quy định thấp, chỉ 2-3 ngày/chuyến đi.
Ngoài ra, còn có tới 12 cán bộ cấp quản lý của IPC từ cấp Phó tổng giám đốc đến kiểm soát viên đi nước ngoài nhiều ngày mà không hề có quyết định cử đi của UBND TPHCM theo quy định.
Theo thanh tra TPHCM, đến nay vẫn chưa thể hiện kết quả đạt được cho hoạt động của Công ty từ các chuyến đi công tác nước ngoài, gây lãng phí tiền của Nhà nước tại IPC và các đơn vị thành viên có vốn góp Nhà nước.
"Dấu chấm hết" từ YouTube cuốn phăng trăm tỷ của đại gia Việt
Thông tin tiêu cực liên quan đến YouTube vẫn tiếp tục ập đến và khiến giá cổ phiếu YEG giảm sâu trên sàn. Tối muộn ngày 22/5, Yeah1 ra thông báo về kết quả của trao đổi với YouTube. Theo đó, YouTube cho biết sẽ bắt đầu tiến hành giải phóng (releasing) các kênh đang hợp tác với Yeah1 và các công ty con từ ngày 22/5/2019.
Các quyền MCN của Yeah1 cũng sẽ tạm ngưng không xác định thời hạn, việc truy cập lại vào các quyền hạn này sẽ được xem xét lại trong tương lai. Trong lúc này, các kênh O&O và kênh thứ 3 tự do có thể đăng ký lại chế độ kiếm tiền qua chương trình Youtube Partnership Program, tuân theo quy trình kiểm duyệt.
Mặt khác, YouTube không giới hạn cơ hội thảo luận về các thỏa thuận hợp tác nội dung trong tương lai với Yeah1 (ví dụ như các thỏa thuận cấp phép phân phối nội dung). Tuy nhiên, các quyền MCN (quyền thêm kênh, Content ID, hệ thống CMS) vẫn sẽ bị tạm ngưng.
Trong khi đó, khi không còn quyền MCN, Yeah1 có kế hoạch sẽ hợp tác với các bên khác nhằm khai thác những nội dung mà Yeah1 sở hữu để phát trên các kênh của đối tác. Tỷ lệ chia sẻ doanh thu phổ biến theo dự kiến của Yeah1 sẽ là 50:50 hoặc 60:40. Yeah1 cam kết sẽ làm việc với Youtube và các đối tác để quá trình chuyển đổi được diễn ra thuận lợi.
Tuy vậy, với diễn biến tiêu tục trên thị trường chứng khoán, vốn hoá thị trường Yeah1 của đại gia Nguyễn Ảnh Nhượng Tống sáng 23/5 đã bị sụt mất 234,6 tỷ đồng. Trước đó, YEG từng xuống mức đáy 93.300 đồng vào ngày 15/5.
Bất ngờ “lai lịch” đại cổ đông vượt sở hữu của THACO tại HAGL Agrico
Cổ phiếu HNG của bầu Đức phiên 21/5 đứng giá 15.450 đồng/cổ phiếu còn HAG giảm nhẹ 0,77% còn 5.160 đồng/cổ phiếu.
Thế nhưng, thông tin đáng chú ý liên quan đến cặp cổ phiếu này của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) lại là việc công ty Hưng Thắng Lợi Gia Lai vừa chi hơn 600 tỷ đồng để nâng sở hữu tại HAGL Agrico từ 5,6% lên 9,8%. Với tỷ lệ sở hữu này, Hưng Thắng Lợi Gia Lai đã vượt THACO để trở thành cổ đông lớn thứ hai tại HAGL Agrico sau HAGL.
Đại cổ đông vừa mua HNG lại là công ty con của HAGL, nói cách khác vẫn là tiền từ túi phải sang túi trái của bầu Đức
Cụ thể, công ty này đã mua vào 37 triệu cổ phiếu HNG của HAGL Agrico trong hai ngày 15-16/5 đưa khối lượng nắm giữ lên 87 triệu cổ phiếu. Theo quan sát, trong thời gian nói trên, khớp lệnh tại HNG khá khiêm tốn trong khi khối lượng giao dịch thỏa thuận đúng bằng 37 triệu đơn vị, tổng giá trị hơn 603 tỷ đồng.
HAGL Agrico hiện có ba cổ đông lớn: một là công ty mẹ - HAGL nắm 57,81%, Hưng Thắng Lợi Gia Lai nắm 9,8% và Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) nắm 7,86% cổ phần.
Nữ đại gia Việt có “đắc lợi” từ thương chiến Mỹ- Trung?
Trên thị trường chứng khoán phiên ngày 24/5, VHC của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn tăng 2.300 đồng tương ứng 2,52% lên 93.500 đồng.
Doanh thu công ty đang nhận được sự hỗ trợ nhờ vào cơ hội từ thị trường Trung Quốc với thuế nhập khẩu cá tra vào thị trường này giảm còn 7% từ ngày 1/7/2018. Cùng với đó, xu hướng tiêu dùng chuyển từ cá rô phi Trung Quốc sang cá tra Việt Nam do Mỹ áp thuế 25% cá rô phi nhập khẩu từ Trung Quốc.
Không những vậy, doanh nghiệp của bà Trương Thị Lệ Khanh cũng được cho là đang hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA với thuế nhập khẩu cá tra giảm xuống còn 0%, và vùng nguyên liệu của VHC tăng mạnh trong năm 2019.
Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch thuỷ sản Vĩnh Hoàn
Ngoài ra, lợi thế về thuế suất và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng phần nào tác động tích cực đến ngành cá tra Việt Nam.
Thế Hưng