Sẽ có chợ phiên Sapa thu nhỏ
Nghĩ đến Sapa, người ta thường nghĩ đến sắc chàm trên váy áo người H’Mông, sắc đỏ thắm trên chiếc khăn đội đầu người Dao trong những buổi chợ phiên.
“Thứ bảy Pha Long, chủ nhật Bắc Hà”
Lữ khách đến Sapa - sau những chuyến du khảo lên Fansipan hay Ngũ Chỉ Sơn, Nhìu Cồ San, sau trải nghiệm ngắm mây trên những bản cao Lao Chải, San Sả Hồ. Sau tất cả, không ai có thể bỏ lỡ những buổi chợ phiên.
Từ lâu, khách thập phương đã truyền tai lịch họp chợ của đồng bào dân tộc theo các ngày trong tuần: “Thứ sáu chợ Chậu, thứ bảy Cán Cấu, Pha Long, chủ nhật Mường Hum, Bắc Hà”, lữ khách cứ theo đó lên lịch trình khám phá thổ vật đa dạng và nền văn hóa đặc sắc bản địa: đến chợ Chậu nghe trai gái tâm tình bằng tiếng đàn môi, hoặc ghé Bắc Hà - một trong mười chợ phiên độc đáo nhất Đông Nam Á để xem cảnh buôn bán ngựa tấp nập… Chợ phiên Tây Bắc vẫn được ví như rượu ngô Cốc Dâm - là chất men gây say bất cứ ai đặt chân đến dãy Hoàng Liên Sơn.
Không chỉ là chợ, chợ phiên còn là nơi phụ nữ khoe nghề dệt thổ cẩm, đàn ông phô diễn kỹ năng thuần ngựa, tài thổi sáo, thổi khèn. Nên mặc dù Sapa hôm nay có thể không còn nét đẹp nguyên bản như trong những tấm ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Thọ thời thập niên 90, nhưng người bản Thượng - bằng cách này hay cách khác - vẫn lưu giữ nếp sinh hoạt chợ phiên, như lưu giữ trái tim vẫn đập để đưa dòng máu văn hóa lưu chảy khắp núi rừng.
Bảo tồn văn hóa chợ Sapa
Là người tâm huyết với Sapa, ông Khúc Minh Hoàng - Tổng giám đốc Trường Giang Sapa Group đã và đang dành nhiều năm để góp nhặt bản sắc Sapa và lưu giữ trong một không gian trải rộng 47,69 ha tại lưng núi Hàm Rồng, mặt hướng ra thung lũng Mường Hoa, mang tên Sapa Jade Hill.
Giữa bối cảnh hiện nay không có nhiều những dự án du lịch Sapa mang lại lợi ích thực tế cho cộng đồng bản địa, ông Hoàng đã “phát quang” một lối đi mới: ngay trong lòng khu nghỉ dưỡng Sapa Jade Hill, tạo dựng một không gian cho đồng bào H’Mông, Dao, Tày, Giáy… họp chợ, giao thương và tổ chức các lễ hội văn hóa, tâm linh.
Tận dụng thế đất giật cấp độc đáo của lưng núi Hàm Rồng, dãy nhà phố thương mại ở trung tâm Sapa Jade Hill được thiết kế nhân đôi mặt tiền kinh doanh tầng 1, với một mặt mở miễn phí cho đồng bào dân tộc bày bán sản vật. Tại đây, cảnh ngựa núi thồ nấm hương, mộc nhĩ, củi, gạo, tre vầu… lên chợ sẽ là hình ảnh thân thuộc thường ngày. Cũng như dưới những tán samu, khu vực nhà phố thương mại của Sapa Jade Hill sẽ gây ấn tượng với khách thập phương bởi sắc vàng ruộm của quả hồng, xanh mướt của ngọn su su, tím than của những mụt măng rừng mới hái được những người phụ nữ H’Mông, Dao bày bán.
Chia sẻ về “chợ phiên Sapa thu nhỏ” đang thành hình trong lòng Sapa Jade Hill, ông Khúc Minh Hoàng nói về tâm nguyện của mình: “Đây là không gian những người yêu Sapa cùng chung tay tôn tạo để đồng bào dân tộc có nơi buôn bán ổn định, không còn cảnh cầm sản vật, quà lưu niệm lẽo đẽo chạy theo chân du khách. Bảo tồn văn hóa chợ Sapa, tạo cơ hội sinh kế cho người bản địa cũng chính là bảo tồn những giá trị quý báu nhất của Sapa”.
Sapa Jade Hill là khu nghỉ dưỡng núi tọa lạc tại lưng núi Hàm Rồng, mặt hướng ra thung lũng Mường Hoa, thuộc địa phận xã Lao Chải, cách trung tâm thị trấn Sapa 2km. Đây là khu nghỉ dưỡng đầu tiên tái hiện và bảo tồn nền văn hóa đậm đà bản sắc miền sơn cước. Nét đặc sắc ấy thể hiện qua kiến trúc biệt thự, bungalow được lấy cảm hứng từ nhà sàn dân tộc H’Mông, dịch vụ ẩm thực, các tour trải nghiệm văn hóa Sapa.
Sapa Jade Hill còn là khu nghỉ dưỡng duy nhất hiện nay có khu vực riêng để đồng bào miền núi giao thương thổ vật địa phương, tổ chức định kỳ các hoạt động truyền thống bản địa như chợ tình, lễ cưới hỏi, lễ hội chọi họa mi…
Được quản lý và vận hành bởi AccorHotels - đơn vị quản lý khách sạn hàng đầu thế giới, cùng SJH - đơn vị am hiểu sâu sắc Sapa, khu nghỉ dưỡng Sapa Jade Hill của chủ đầu tư Trường Giang Sapa Group (TGG) là nơi lữ khách cảm nhận một phố núi tự nhiên nguyên bản với trải nghiệm dịch vụ chuẩn mực quốc tế.
Đặng Nghiêm