Sau vụ Formosa: "Xin làm nhà máy thép khó lắm!”
(Dân trí) - Sau vụ việc xảy ra tại Formosa, các địa phương cũng “dè chừng” hơn với các dự án nhà máy thép. Do đó, việc xin đầu tư tại một tỉnh nào đó để triển khai xây nhà máy thép không phải việc dễ dàng trong thời điểm này.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư quý II diễn ra chiều 27/7, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho hay: “Xin làm nhà máy thép hiện rất khó khăn. Dù nhân lực, vật lực có thể làm được nhưng lại gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm triển khai”.
Theo ông Long, sau vụ việc xảy ra tại Formosa, các địa phương cũng “dè chừng” hơn với các dự án nhà máy thép. Do đó, việc xin đầu tư tại một tỉnh nào đó để triển khai xây nhà máy thép không phải việc dễ dàng trong thời điểm này.
Vẫn giữ ý định mở rộng sản xuất, Hòa Phát có thể sẽ tính tới việc mua lại một dự án hiện hữu thay vì xin đầu tư mới. Theo một số nguồn tin, dự án này có thể nằm ở khu vực phía Nam và đang ngừng triển khai do các nguyên nhân từ phía chủ đầu tư. Ngoài ra, Hòa Phát có thể xem xét tới cả dự án Gang thép Thái Nguyên trong trường hợp dự án này được bán cho nhà đầu tư.
Tại cuộc gặp mặt, trả lời nhà đầu tư liệu rằng Hòa Phát có muốn mua lại nhà máy Gang thép Thái Nguyên không khi Nhà nước đang tính phương án bán công ty này, ông Trần Đình Long cho hay: "Ý định mua lại thì bao giờ cũng có. Một vị lãnh đạo hỏi Hòa Phát có nghiên cứu mua lại không? Tôi trả lời đang xem xét nghiên cứu thôi còn mua thế nào thì chưa biết, chưa có tài liệu chính thức từ Nhà nước".
Mặc dù vậy, theo ông Trần Đình Long, Hòa Phát cũng không quá hứng thú vì gang thép Thái Nguyên giờ không còn nhiều ưu thế nữa. Lợi thế của nhà máy này về cảng biển cũng không có. Trước đây khai thác than nhưng than giờ cũng nhập khẩu nhiều rồi...".
Về việc cấp phép đầu tư các dự án thép, trao đổi với báo chí mới đây, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (nguyên Bộ trưởng Giao thông Vận tải) cho rằng, việc cho phép đầu tư phải thận trọng, cảnh giác và có kiểm soát nghiêm ngặt về môi trường.
Ông Dũng cho biết: “Công nghệ thế giới đã xử lý và kiểm soát được chất thải của luyện thép, đảm bảo giới hạn an toàn trước khi thải ra môi trường. Nhưng nói tuyệt đối trong lành là không có, vấn đề là kiểm soát và vận hành nhà máy thế nào”.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho rằng, trong thời gian qua, phát triển kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn cho nên nhiều khi các địa phương trải thảm đỏ để đón các nhà đầu tư vô điều kiện, việc xét duyệt không được kỹ càng, dẫn đến kết quả không được tốt như hiện nay.
Theo ông Sưa, nguyên nhân thì có nhiều. Về mặt các cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý theo quy hoạch, cho nên việc bám sát quy hoạch để xây dựng các dự án vừa rồi khi phân cấp cho các địa phương cũng có những vấn đề. Thứ hai, trình độ thẩm định dự án của các địa phương nhiều khi không đủ năng lực nên đã bỏ qua một số yêu cầu bắt buộc của các dự án đầu tư đó, nhất là vấn đề về năng lực công nghệ và năng lực tài chính.
"Để giảm thiểu những tình trạng đáng tiếc này, phải bám sát quy hoạch, quản lý theo quy hoạch và nâng cao năng lực thẩm định của các cơ quan ở trung ương cũng như địa phương", ông Sưa nói.
Phương Dung